Khổ như đi lại dịp Tết: Đẩy giá trên trời

TP - Trong những ngày cao điểm tết, các hãng xe rước khách ngoài bến núp bóng chạy hợp đồng, du lịch lữ hành lấy giá gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với ngày thường nhưng người mua vẫn nườm nượp, trong khi các quầy vé xe tăng cường trong bến xe vắng hoe, dù chỉ phụ thu tối đa 60% giá vé.
Quầy vé xe tăng cường trong bến xe Miền Đông khá vắng vẻ dù đã bước sang ngày 18 tháng chạp (AL). Ảnh: LT.

Sáng 27/1, chúng tôi ghé vào văn phòng hãng xe giường nằm Hùng Loan Travel trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú, TPHCM) hỏi mua vé xe về Quảng Trị, khởi hành ngày 24 tháng chạp (AL). Nhà xe báo giá 1.300.000 đồng/vé (bao ăn dọc đường), dù ngày thường giá chỉ 460.000 đồng/vé, tức đắt gấp ba lần.

Nhân viên bán vé giải thích: Khách càng đông, giá vé càng cao. Nếu chọn hai ngày 18-19 tháng chạp, vé chỉ 900.000 đồng. Nếu đi ngày 20 - 21 tăng lên 1.000.000 đồng/vé, đi ngày 22-23 tăng lên 1.150.000 đồng/vé và đi từ ngày 24-26 phải trả 1.300.000 đồng/vé.

Thấy chúng tôi chê đắt, cô nhân viên bĩu môi: Đi đâu cũng vậy thôi. Vé còn rất ít, lát nữa anh quay lại chưa chắc còn để mua.

Ghé vào văn phòng hãng xe Đông Nam trên đường Hồng Lạc (quận Tân Bình), có xe chạy tuyến TPHCM - Đà Nẵng, nếu như giá vé ngày thường là 360.000 đồng thì khách đi ngày 25 tháng chạp phải trả 1.150.000 đồng/vé. Trong khi đó hãng xe Cẩm Vân trên đường Tân Thành (quận Tân Phú) bán vé xe đò tuyến TPHCM - Đà Nẵng nếu khởi hành trước 21 tháng chạp thì khách phải trả 750.000 đồng/vé và đi ngày 24 tháng chạp là 1.100.000 đồng/vé.

Liên hệ nhà xe Ngọc Trâm đối diện Bến xe An Sương (quận 12), vé tết cũng được bán với giá cao. Cụ thể: tuyến TPHCM - Quảng Trị, giá ngày thường là 460.000 đồng/vé. Nếu đi từ ngày 16 tháng chạp phải trả 700.000 đồng/vé, đi từ ngày 18 là 800.000 đồng/vé, đi từ ngày 20 giá vọt lên 1.100.000 đồng/vé và đi từ 24 tháng chạp khách phải trả 1.300.000 đồng/vé.

Dọc tuyến đường Lê Hồng Phong (quận 10), các nhà xe chạy tuyến TPHCM - Ninh Thuận đều tăng giá tết từ 80 - 100% so với ngày thường.

Hãng xe Ánh Hồng tại ngã tư Đồng Đen - Hồng Lạc (quận Tân Bình) bán vé xe đò về Quảng Nam ngày 25 tháng chạp với giá 1.000.000 đồng/vé và buộc phải đặt cọc 50% số tiền mua vé. Một số nhà xe khu vực Đồng Đen bán vé đi Quảng Ngãi giá giường tầng trên là 1.050.000 đồng/vé và tầng dưới là 1.150.000 đồng/vé, cao gấp đôi so với giá vé xe đò tết đã phụ thu được niêm yết trong bến xe Miền Đông (trên dưới 500.000 đồng/vé). Giá cao nhưng người mua rất đông.

Xe tăng cường bị chê

Trong khi đó các quầy bán vé xe tăng cường, xe ủy thác tại bến xe Miền Đông khá thưa thớt dù giá chỉ bằng phân nửa xe bên ngoài. Khu vực bán vé trước các tuyến miền Trung (Bồng Sơn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Đà Nẵng) của bến xe miền Đông khá vắng vẻ, dù giá vé khá mềm, từ 460.000 - 500.000 đồng, chỉ cao hơn ngày thường khoảng 100 nghìn đồng.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, nhiều hành khách sẵn sàng trả giá cao hơn để đi xe bên ngoài vì bù lại, chất lượng phương tiện tốt hơn, xe hầu hết là loại giường nằm, nội thất đẹp, tiện nghi, phòng vệ sinh lắp trên xe. Thái độ phục vụ của nhân viên chuyên nghiệp hơn, xe không chạy lòng vòng bắt khách. 

Chị Hồng (24 tuổi, quê Hải Lăng, Quảng Trị) nói: Tôi chỉ cần gọi điện thoại hoặc click chuột đặt vé, rất nhanh chóng, tiện dụng, không cần phải lặn lội ra tận nơi mua vé. Nhà xe bao ăn uống, chất lượng bữa ăn rất tốt, có đủ các món. Nếu đi xe tăng cường trong bến, hành khách phải tự trang trải chi phí ăn uống dọc đường.           

“Năm ngoái, tôi ham rẻ nên chọn đi xe tăng cường. Về đến nhà tính lại thì thấy không rẻ hơn bao nhiêu vì đồ ăn, thức uống mua dọc đường rất đắt đỏ mà không ngon, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” - chị Hồng kể.

Anh Nguyễn Văn Phúc (36 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết trong bến xe Miền Đông hiện nay tuyến về Quảng Nam chỉ còn xe ghế ngồi loại nhỏ nên hành khách rất ngán ngại. Nhiều người quyết định chọn xe giường nằm ngoài bến.

“Ngồi xe di chuyển bảy tám trăm cây số, đàn ông con trai còn chịu không thấu huống hồ các bà, các chị” - anh Phúc nói.

Ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc bến xe miền Đông xác nhận bến xe đã mất tuyến đi Quảng Nam, Lâm Đồng do các nhà xe mở các điểm bán trong nội thành và đưa toàn bộ xe ra ngoài chở khách.

Tâm lý của hành khách là tiện đâu đi đó. Nhà trong thành phố mà có sẵn xe đưa đón thì đỡ di chuyển ra bến xe. Có một thực tế là người dân chuộng xe giường nằm, khi di chuyển đỡ vất vả, trong khi xe tăng cường là xe ghế ngồi, chất lượng không tốt bằng xe các hãng có thương hiệu nên người dân không chuộng. Mọi năm, vé xe tăng cường bán trước rất ít. Hành khách thường mua đi ngay, khi vé xe thương hiệu không còn.