Khẩn cấp ứng phó hạn hán, thiếu nước ở miền Trung, Tây Nguyên

TPO - Bộ NN&PTNT vừa cảnh báo đến các địa phương ở Trung Bộ, Tây Nguyên về hạn hán, thiếu nước ở cuối mùa khô tới, không chỉ gây thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân, hàng chục nghìn hécta lúa, cà phê có thể “khát nước”.
Miền Trung, Tây Nguyên đang bước vào giải đoạn hạn hán, thiếu nước khốc liệt trong mùa khô năm nay

Theo Bộ NN&PTNT, hiện dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang ở mức thấp, một số nơi tương đương các năm hạn hán nặng 2015- 2016.

Do nguồn nước thiếu, nhiều diện tích lúa Đông Xuân 2019-2020 ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận  phải điều chỉnh, tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ ở một số địa phương.

Dự báo, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên trong tháng 4-5/2020 tiếp tục ít mưa và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 15-70%, một số sông thiếu hụt trên 85%, các tháng còn lại của mùa khô lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN.

Dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vào đầu vụ Hè Thu 2020 ở khu vực Trung Bộ chỉ ở mức thấp, một số tỉnh ở mức rất thấp, như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa…

Với tình trạng nguồn nước như trên, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, ở mức hạn vừa đến hạn nặng, thậm chí hạn hán cực đoan nếu xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài.

Hàn nghìn hécta cà phê ở Tây Nguyên bị thiếu nước 

Trước tình trạng nói trên, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương nói trên thực hiện nghiêm Chỉ thị 04 (năm 2020) của Thủ tướng về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tổ chức theo dõi, cập nhật sát thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp; thông tin dự báo nguồn nước và khuyến cáo xây dựng kế hoạch sử dụng nước do các cơ quan khoa học cũng như hướng dẫn của Bộ NN&PTNT .

Các địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo hướng chủ động, linh hoạt bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp.

Ở những vùng đủ nước cần xem xét đẩy sớm lịch sản xuất để tận dụng nguồn nước, vùng không đảm bảo nguồn nước cần xem xét giảm diện tích, giãn thời điểm xuống giống để chờ mưa hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Xác định từng vùng, số hộ khả năng thiếu nước sinh hoạt, xây dựng phương án cân đối cung cấp nước sinh hoạt cho từng cụm dân, xã, huyện,..bảo đảm không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Bộ NN&PTNT cũng lưu ý các địa phương giám sát việc vận hành việc điều tiết nước các công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện, khi xảy ra thiếu nước, phải ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm…

Cùng đó, tổ chức nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến giúp khơi thông dòng chảy, tận dụng khai thác tối đa nguồn nước.

Chủ động sử dụng nguồn kinh phí do địa phương quản lý để tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT),  hiện các vùng trên cả nước đang trong giai đoạn cuối canh tác vụ Đông Xuân 2019-2020, các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang chuẩn bị bước vào thu hoạch, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cơ bản thu hoạch xong.

Ninh Thuận là một trong những địa phương bị hạn hán nghiêm trọng nhất

Dự báo, ở Bắc Trung Bộ vào kỳ cao điểm mùa cạn cuối vụ Đông Xuân, khả năng khoảng 21.300 - 30.700 hécta có nguy cơ bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, trong đó nặng nhất là Thanh Hóa khoảng 15.500-22.900 hécta, Nghệ An 4.000-6.000 hécta, Thừa Thiên- Huế 1.800 hécta.

Tại Nam Trung Bộ từ nay đến cuối vụ, nếu lượng mưa tiếp tục thiếu hụt, diện tích cây trồng bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn lên tới khoảng 4.000 hécta.

Ngoài ra, đầu vụ Đông Xuân do nguồn nước không đảm bảo nên các địa phương điều chỉnh giảm 22.650 hécta lúa (chủ yếu ở Bình Thuận 15.000 hécta, Ninh Thuận 7.500 hécta).

Tại Tây Nguyên, hiện trên 7.600 hécta cây trồng chịu hạn hán, thiếu nước, trong đó, nặng nhất là cây cà phê ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum. Dự báo, đến cuối vụ là cao điểm hạn hán trong khu vực, diện tích bị ảnh hưởng có thể lên tới 25.000 -27.000 hécta.

Về vụ Hè Thu, vụ Mùa tới Bắc Trung Bộ, khả năng có thểm khoảng 13.000-22.000 hécta thiếu nước tưới, cần giảm, giãn tiến độ gieo cây hoặc chuyển đổi cây trồng, trong đó nặng nhất là ở Thanh Hóa, Nghệ An. Trong khi đó, con số trên ở Nam Trung Bộ khoảng 40.000 -45.000 hécta.