Bé Chiều chỉ người đàn bà nhếch nhác ẵm đứa trẻ gầy nhom: -“Mẹ đấy hở bà?” - “Bà đấy”. “Mẹ đây nè”, ngoại chỉ con bé trong ảnh - “Mẹ mà nhỏ xíu, không mặc quần”, cô bé thắc mắc – “Lớn mới thành mẹ. Già thành bà. Rồi cháu cũng thế”, bà ân cần giải thích – “Cháu không làm bà. Lưng gãy xấu lắm, lại ăn trầu xay không ăn được kẹo”. Mẹ ngồi bên cạnh nói xen vào: “Thế thì làm mẹ vậy” - “Không. Làm mẹ khổ lắm! Ngồi may suốt ngày”. Mẹ im lặng, tiếng máy may lại rào rào như tiếng mưa rơi. Câu chuyện chia sẻ trên fanpage: Truyện rất ngắn.
Thất bại để thành công
Cuối năm 1999, mình cùng đội tuyển Học viện Nông nghiệp Việt Nam đi thi “SV 2000”. Sau hơn một tháng chuẩn bị với bao chiến lược và kiến thức, bọn mình tự tin vào chiến thắng, thậm chí còn dự tính cả việc vòng sau nên thi gì. Kết quả là thua thảm. Cả đội suy sụp, khóc như trẻ con bị mất đồ chơi. Mình xấu hổ nằm bẹp trong ký túc xá mấy ngày. Nằm nhìn những vệt nắng chạy qua trên hàng cây bên ngoài, bỗng thấy cuộc sống vẫn tiếp tục trôi miệt mài.
Tự nhiên thấy chán chả muốn xấu hổ nữa, mình đứng dậy ra ngoài bắt đầu những cuộc chơi mới. Mình cũng chẳng ngờ, những ngày tập kịch cho SV 2000 lại chính là bài học đầu tiên cho mình về kịch bản và sân khấu, để rồi chục năm sau, mình lại kiếm sống bằng chính nghề viết kịch này. Luôn có thành công chờ ta phía trước, nhưng không có đủ nhiều cho tất cả. Nên cuộc sống thường dùng những thất bại như là cách để chọn lọc ra những người xứng đáng được thành công. (Chia sẻ của Giáo sư Cù Trọng Xoay).
Tính tò mò
Bản tính người Việt vốn rất tò mò, đôi khi gây khó chịu cho người đối diện. Gặp nhau bao giờ cũng vô tư vồn vã hỏi thăm người ta lương bao nhiêu, công việc thế nào, chuyện vợ/chồng chưa và sao giờ chưa lấy vợ/chồng, liệu có gì không, cũng như sốt sắng đòi làm mai mối, dù đối tác rất ngại. Lạ thay, nếu bị phản ứng thì người hỏi lại tỏ ra “giận dữ”, tôi quý thì mới quan tâm hỏi thế, chứ người khác á, còn lâu.
Đi làm, lâu lâu tôi lại bị kẹt xe bởi những chuyện rất trời ơi đất hỡi. Bất kể chuyện gì xảy ra, bao giờ người Việt ta cũng phải nhao đến nhìn, nghe ngóng, bàn tán. Vụ công an bắt cướp bắn nhau (ở Bình Dương), súng đạn nổ đì đùng, đáng lẽ là nằm rạp xuống, hoặc tránh xa nơi đó, nhưng bà con mình cứ chạy rần rần theo chỉ trỏ, kết quả vài người dân trúng đạn bị thương. Thật khôi hài cho cái tính tò mò. (Nhà văn Bùi
Anh Tấn).