Internet và sự an nguy

TP - Internet đã chứng tỏ lợi ích và sức mạnh to lớn. Nhưng internet cũng bộc lộ mặt trái nguy hiểm.

Thời gian qua trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin vu khống, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và nhà nước, và điều nguy hiểm hơn là một bộ phận người dân dễ tin vào những điều xấu đó.

Những thông tin kiểu này đang được rỉ rả, truyền tai nhau bán tín bán nghi, tạo ra sự dao động hoang mang trong các tầng lớp nhân dân. Internet đã bị lợi dụng để thực hiện những ý đồ xấu là hủy hoại niềm tin trong xã hội, tạo sự bất ổn, “tự diễn biến” để  chống phá, lật đổ chế độ.

Trước sự nguy hiểm của thông tin sai trái nói trên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2014,  một số thành viên Chính phủ như bộ trưởng các bộ Công an, Quốc phòng đã nhấn mạnh đến việc bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, đấu tranh với những thông tin xấu, xuyên tạc gây chia rẽ nội bộ.

Bộ trưởng Trần Đại Quang yêu cầu đấu tranh chống “những luận điệu sai trái, thù địch, thông tin độc hại, đả kích, chia rẽ, bôi nhọ, xuyên tạc nội bộ” và nhấn mạnh các cơ quan thông tin, truyền thông cần chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời định hướng cho dư luận, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, các quan điểm thiếu tính xây dựng.

Ngành công an sẽ cùng các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý việc cung cấp dịch vụ internet, tập trung ngăn chặn việc phát tán tài liệu xuyên tạc không đúng sự thật về các đồng chí lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng nhấn mạnh cần ngăn chặn thông tin xuyên tạc, nói xấu Đảng, nói xấu lãnh đạo,  gây chia rẽ, phân tâm. "Phải có biện pháp, không thể thả nổi như thế này” -  Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói.

Câu hỏi đặt ra là những thông tin xấu này tác động tiêu cực thế nào? Và cơ quan chức năng cần có biện pháp gì?

Về cầu hỏi thứ nhất, có 3 khía cạnh cần đề cập đến đối với những thông tin xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, nói xấu lãnh đạo Đảng và nhà nước:

Một là, cách đưa thông tin hư hư thực thực làm mất phương hướng của người tiếp nhận thông tin, gây ra khủng hoảng niềm tin của dân đối với Đảng, đó là mầm mống để có thể mất chế độ, làm xói mòn tính hợp pháp về sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội.

Hai là, tạo sự  nghi ngờ, chia rẽ nội bộ trong hàng ngũ cấp cao của Đảng, dẫn đến sự mất đoàn kết trong Đảng.

Ba là, làm mất đi ý chí và sức chiến đấu của quân và dân ta.

Trước vấn đề này các cơ quan nhà nước cần triển khai một số biện pháp sau:

Một là, Nhà nước phải có biện pháp mạnh hơn nữa bảo vệ trật tự an ninh về thông tin hoặc do thông tin mang lại, siết chặt quản lý internet. Kiên quyết điều tra, truy tố, đưa ra xét xử công khai những kẻ phá hoại đứng đằng sau các chiến dịch thông tin bịa đặt, vu khống, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Hai là, các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời; đồng thời, lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình trạng lợi dụng internet nói xấu, vu khống, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước với dụng ý xấu và có thêm những đối thoại trên các phương tiện truyền thông, phân tích sâu về vấn đề này.

Ba là, nâng cao ý thức cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trước những thông tin xấu chống Đảng, Nhà nước, chia rẽ nội bộ phát tán trên mạng, để toàn xã hội lên án thông tin độc hại đưa đến.

Sự thống nhất hành động của lãnh đạo cấp cao, sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và các đoàn thể xã hội và mọi tầng lớp nhân dân để ngăn chặn các thông tin độc hại này không phải là hạn chế tự do báo chí, tự do ngôn luận, hạn chế nhân quyền mà là việc làm rất cần thiết để bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền dân chủ, quyền thông tin và nhân phẩm của mỗi người, xây dựng niềm tin trong xã hội.