> Đăng ký cầu Rồng là 'Con Rồng thép lớn nhất thế giới'
Và chính từ căn bệnh trọng vẻ bề ngoài, thiếu thực chất của xã hội nên mới xuất hiện những dân chơi “hàng mướn”.
“Mình thích hoành tráng”, ông bộ trưởng Bộ GTVT nói vậy khi lý giải một trong những nguyên nhân khiến suất đầu tư các công trình giao thông ở Việt Nam cao hơn so với nhiều nước khác.
Theo ông Đinh La Thăng, ở ta “có những cây cầu không cần dây văng, chả cần khẩu độ lớn nhất thế giới, nhất Đông Nam Á làm gì cả.
Tiền chưa có làm mức độ vừa phải đã, nhưng mình thì cứ phải cầu dây văng khẩu độ lớn. Vừa rồi Bộ GTVT rà soát lại, giảm từ dây văng đến không văng đã là 600 tỷ đồng”.
Chỉ vài cây cầu được độn thêm bệnh “hoành tráng” là ngân sách, là tiền thuế mất đi hàng ngàn tỷ đồng.
Người Việt ta coi trọng danh dự. Nhưng nhiều khi người Việt cũng bị xem là hay mắc bệnh sĩ diện, trọng hình thức, thiếu thực chất.
Thế nên mới có câu “Một nắm tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”, hay “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”… để đến nỗi ông lý đương với ông lý cựu đầu đã mấy thứ tóc vẫn mạt sát nhau vì một miếng giữa làng.
Những tưởng chỉ trong xã hội phong kiến, căn bệnh thích hư danh mới có đất để tồn tại. Nhưng không ngờ ngay trong xã hội hiện đại, thời buổi công nghiệp văn minh mà bệnh chuộng hư danh ấy vẫn chỗ này chỗ kia phát tác.
Nói đến vịnh Hạ Long, người ta có thể kể ra một lô các danh hiệu: hai lần được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới với giá trị thẩm mỹ và giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất-địa mạo (các năm 1994, 2000); một trong số 29 vịnh được Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới xếp hạng và chính thức công nhận vào tháng 7-2003. Những tưởng như vậy là quá đủ.
Nhưng vừa qua, chúng ta tiếp tục vận động để một tổ chức ít tên tuổi là New7Wonders công nhận vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Thêm danh hiệu thì cũng tốt. Nhưng việc cần làm hơn là bảo vệ di sản lại có vẻ không được chú ý tương xứng, bởi hiện nay môi trường ở di sản thiên nhiên thế giới này đang bị đe doạ từng ngày do ô nhiễm từ các nguồn rác thải sinh hoạt, nước thải từ các khu dân cư, nhà máy, du thuyền… Khi môi trường bị hủy hoại, khách du lịch tránh xa thì e rằng thêm vài cái danh hiệu nữa cũng không cứu vãn được tình hình.
Rồi mới đây nhất: báo chí vừa loan tin cầu vòm mô phỏng hình rồng bắc qua sông Hàn ở Đà Nẵng sẽ được đăng ký kỷ lục Guinness thế giới là “Con Rồng thép lớn nhất”.
Ta đã có bánh chưng lớn nhất, ly cà phê bự nhất, chai rượu to nhất, vịnh nhiều danh hiệu nhất, và sắp tới lại thêm rồng sắt lớn nhất... Nhưng đây có phải là những điều thực sự cần thiết với người dân hay không, có thực sự khiến bạn bè thế giới nể phục chúng ta không. Câu hỏi này không khó để trả lời. Chỉ khó hiểu là vì sao đến giờ ta vẫn phải tự hỏi câu hỏi ấy.