Hỏi thăm “cô mật chú đường”

TP - Người phương Tây thường gọi ai là “cô mật chú đường”? Ông chú không vợ, bà cô không chồng, người già không con cái. Những người này rất hay cho quà. Một ngày nào đó tên ta còn xuất hiện trong di chúc của họ. Tết đến rồi, đã đi thăm họ chưa?

Thực tế, khi chạm được vào sợi dây cảm xúc, đường mật của lòng tốt trong con người rất dễ trào dâng mà không cần điều kiện thực dụng nào.

Nhiều khách lạ đến nhà người Bỉ trong tiệc Giáng sinh và Tết 2017 này. Đầu tiên là hai thanh niên ở Brussels du học và đi làm xa nhà. Tết về bỗng thấy phòng ngủ của mình ai đó đã nằm, ghế bên bàn ăn của mình ai đó đã ngồi. Không có Bạch Tuyết ở đây. Chỉ là những thiếu niên vừa chạy trốn nội chiến ở Iraq, Syria. Ông bố của gia đình này nhận thấy con cái đã trưởng thành, không thực sự cần mái ấm gia đình như những thiếu niên không nơi nương tựa. Ông đón họ về nhà đã mấy tháng nay.

Một người bạn thân của gia đình tôi vừa rồi cũng kêu “Cận tiệc tất niên của đại gia đình, bác trưởng vốn sống độc thân hơn 50 năm nay bỗng tuyên bố sẽ đi hai mình chứ không về nhà một mình như trước. Lại phải chạy đi mua thêm quà”. Khách lạ về nhà là thanh niên 21 tuổi người Afghanistan, tị nạn tại Bỉ được hai năm. Bối rối nhất là bà mẹ, dọn món lên bàn mới ngớ ra từ viên thịt nhỏ xíu thả trong nồi xúp cũng dính dáng đến thịt lợn. Vị khách chỉ ăn rau quả và bánh ngọt, cảm ơn rối rít vì tình cảm đầm ấm của đại gia đình. Bà cụ chủ nhà vẫn thấy niềm vui không trọn vẹn. Giá con trai nói sớm và rõ hơn, bà đã nấu thêm món gà tây lần thứ hai trong năm.

Dư âm bữa tiệc còn đó, trước đây bác trưởng luôn cưng chiều các cháu- con của bạn tôi hết mực. Quà cắp nặng tay, cháu đòi gì mua ngay. Nay bác đã tìm thấy người cần giúp đỡ hơn, bạn tôi đoán “Anh ấy gặp cậu này ngoài đường, mời về nhà cư trú và chắc chắn còn cho tiền hàng tháng nữa chứ chẳng phải chỉ ở không thôi đâu”.

Điều này liên quan gì những câu chuyện mới xảy ra ở Việt Nam: ca sĩ Mỹ Tâm quay xe trong đêm đông Hà Nội để lên sân khấu của người khuyết tật hát, bà mẹ đơn thân vừa rao bán tim chữa bệnh cho con lập tức cộng đồng sốt sắng hỏi xin số tài khoản gửi tiền? Lòng tốt cả đấy. Xã hội bây giờ đâu có thiếu. Thứ đường mật ngọt ngào này thật dễ lây lan cảm xúc. Nhưng làm người tốt một cách hữu ích không dễ.

Đêm trước Giáng sinh vừa rồi, tôi chuẩn bị bước vào hầm để xe ở thành phố Antwerp bỗng hai phụ nữ trang điểm đậm, áo dạ trắng thanh lịch tiến lại “Cô có tiền lẻ không đổi giúp tôi?”. Thỉnh thoảng tôi cũng bí tiền xu trả phí gửi xe nên hỏi ngay “Cô muốn đổi bao nhiêu”, “50 Euro”. Đổi tiền lẻ mà những 50 Euro quả thực tôi không đủ. Bỗng người đàn ông gần đó lớn giọng gọi tôi như gọi vợ “Cưng ơi, nhanh lên chứ”. Hai phụ nữ kia vội bỏ đi. Người đàn ông lạ đến gần, đanh thép “Cô đừng bao giờ rút ví ra đổi tiền cho người lạ giữa đêm khuya nhé”.

Và để thực thi lòng tốt một cách hiệu quả, càng khó. Khán giả tụ đông lại sân khấu của người khuyết tật đêm ấy chỉ vì Mỹ Tâm. Người ta nói cô đi khán giả cũng bỏ đi thôi. Để làm được hơn thế, như tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (ở Hà Lan) đã viết thư ngỏ gửi Mỹ Tâm, cần thay đổi cái nhìn của xã hội về người khuyết tật, không nên mãi để họ sống bằng lòng thương hại mà phải tạo cơ hội cho họ đóng góp ngang hàng người lành lặn. “Cô mật, chú đường” quý giá bây giờ chính là người trao cho ta cơ hội việc làm. Gần đây, cảnh này bắt đầu xuất hiện nhiều ở châu Âu: trong một nhà hàng ở Bỉ, trên chuyến tàu nhanh từ Milan đến Venice (Ý), tôi ngớ ra vì ai đó vừa đặt lên bàn mình tờ giấy nhỏ “Tôi là người tị nạn. Tôi có ba con nhỏ, cần mua thức ăn cho chúng hằng ngày”. Phát khắp nhà hàng, khắp toa tàu, họ đường hoàng quay lại chìa tay nhận tiền như nhân viên hỏa xa đòi soát vé. Sao không ai trong số họ chịu ghi thêm dòng này “Tôi có thể làm tốt một số việc... Hãy cho tôi cơ hội việc làm”.