Theo chia sẻ trên báo chí của TS Đinh Duy Hòa, nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, thống kê từ dự án “Điều tra thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngành nội vụ” cho thấy 49% công chức tại Bộ Nội vụ có trình độ từ thạc sĩ trở lên, tỷ lệ này ở 63 Sở Nội vụ là gần 28% và ở các phòng nội vụ trong cả nước là 18%.
Công chức toàn ngành Nội vụ có trình độ từ cử nhân trở lên đến tiến sĩ là 96,6%. Số liệu có lẽ cũng vậy ở các ngành, lĩnh vực khác. Ông cũng cho hay, theo thống kê năm 2019, tổng số công chức có bằng tiến sĩ là 2.347 người (0,8%), có bằng thạc sĩ là 19.136 người (6,5%). Những cơ quan có nhiều tiến sĩ là Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ GD&ĐT, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính…
Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2017 cả nước có 24.300 tiến sĩ và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó tiến sĩ tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm. Như vậy đến nay, cả nước đã có gần 30.000 tiến sĩ. Trong số này, báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, trên 21.000 tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục ĐH.
Theo nhận định của các chuyên gia có những vị trí đòi hỏi phải có bằng tiến sĩ. Ở những viện nghiên cứu chính sách, những người nghiên cứu khoa học, nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu chính sách có chuyên môn tham mưu cho Chính phủ cần trình độ chuyên sâu rất cao. Và có những giáo sư ở các trường ĐH cộng tác với những viện này để cung cấp thêm kiên thức chuyên môn. Nhưng nếu không phải vị trí công việc nghiên cứu và tham mưu thì cần bằng tiến sĩ để làm gì?
Phần lớn (khoảng 80%) tiến sĩ ở Mỹ làm việc trong môi trường hàn lâm (đại học, viện nghiên cứu) và nghiên cứu trong các doanh nghiệp, phần nhỏ còn lại làm việc cho chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, hoặc những lĩnh vực khác.
Do đó, quan trọng là làm thế nào có cơ chế chọn người tài cho đúng năng lực, không chạy theo bằng cấp thì việc đầu tư cho công chức học thạc sĩ, tiến sĩ sẽ quay về với đúng ý nghĩa của nó.
Cán bộ có năng lực yếu, không thực hiện được công việc của mình, có xu hướng đi học tiến sĩ những ngành không thích hợp với công chức... là thực tiễn được Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TPHCM Nguyễn Việt Dũng nêu ra tại hội nghị UBND TPHCM phê duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở Nội vụ.
Ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh ngoài việc tuyển dụng, Sở Nội vụ có nghĩa vụ quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống chính quyền.
Ông Dũng nêu thực tiễn hiện nay, công chức của thành phố khá yếu trong thực hiện công việc. Đa số không biết hoặc không dám viết kế hoạch, đề án. Người làm được thì chất lượng cũng không tốt.
Trước thực tế này, ông Dũng đề nghị Sở Nội vụ nên thay đổi cách tuyển dụng công chức. Theo ông, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tuyển công chức qua thi tuyển quốc gia, nhưng sau thi tuyển, họ không làm việc ngay mà được tham gia một lớp đào tạo 3-6 tháng tại trường hành chính quốc gia để học cách làm công chức.
Còn tại cuộc họp về phương án sửa chữa cầu Thăng Long trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã rất buồn chia sẻ nếu không sửa được cầu Thăng Long thì cả ngành giao thông mắc cỡ với dân. Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong...
Ở Mỹ, tiến sĩ làm gì?
Thống kê mới nhất của NSF (Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ) cho thấy, năm 2020, số người nhận bằng tiến sĩ ở quốc gia này là 55.283 người (giảm hơn 300 người so với năm 2019). Trong đó, số lượng công dân Mỹ và những người nhận bằng tiến sĩ thường trú nhân (người được cấp thẻ thường trú) đã giảm xuống còn 34.492 (từ 35.232 vào năm 2019).
Số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ người nhận bằng tiến sĩ được cấp thị thực tạm thời đã chấp nhận các vị trí trong lĩnh vực học thuật là 63% và lĩnh vực công nghiệp hoặc kinh doanh là 18%. Còn đối với công dân Hoa Kỳ và thường trú nhân thì tỉ lệ này là 44% và 30% đang có kế hoạch làm việc trong ngành công nghiệp hoặc kinh doanh.
Tỉ lệ cam kết làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu cao nhất là những người nhận bằng tiến sĩ của nhóm ngành nhân văn và nghệ thuật và các lĩnh vực không thuộc nhóm khoa học kỹ thuật (lần lượt là 70% và 72%); tỉ lệ thấp nhất là nhóm ngành kỹ thuật (10%), tiếp đến là ngành khoa học vật lý và khoa học trái đất (16%).
Nhìn nhận vấn để sử dụng tiến sĩ ở Việt Nam, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT cho rằng, mong muốn để có danh không phải xấu, nhưng vấn đề hiện nay đang tồn tại các chính sách khuyến khích việc háo danh. Đó là chỉ tiêu cán bộ công chức có bằng tiến sĩ, tiêu chí để trở thành phó giáo sư, giáo sư, tiêu chí bổ nhiệm gắn với bằng cấp, học vị…
Mặt khác, ông Tùng cho rằng là do hệ thống đào tạo cấp bằng tiến sĩ hiện đang bị suy thoái từ các trường, viện, giảng viên hướng dẫn, hội đồng phản biện, bảo vệ… dẫn tới sẽ có thêm nhiều tiến sĩ kém chất lượng.
Theo ông Tùng, câu chuyện tiến sĩ kém chất lượng không phải là mới, nhưng quan ngại nhất là tình trạng tiến sĩ kém chất lượng lại hướng dẫn luận văn tiến sĩ cho thế hệ tiếp theo, và dẫn tới có cả hệ thống - mà nguyên nhân chính là quy chế đào tạo sau đại học chưa đủ mạnh để siết chất lượng.
Thẳng thắn nói về vấn đề này, PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho rằng, chung quy cũng chỉ vì tiền. Bởi theo ông Dũng, quy trình hiện nay ở Việt Nam là mang học vị - lên chức - có tiền.
Còn ông Nguyễn Việt Dũng thẳng thắn: “Tôi không biết công chức Việt Nam cần bằng tiến sĩ để làm gì vì tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học. Chúng ta đào tạo quá nhiều tiến sĩ. Ví dụ, công chức phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học, trong khi hệ thống mình cần chính sách công, tài chính công, đầu tư công, hành chính công thì không học”.