“Đông đột biến”. Cụ Tản Đà sống dậy chắc sẽ sửa lại ý nghĩ: “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”. Trong phát biểu khai mạc, người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam phấn khởi tổng kết thành quả đạt được: “Ngày Thơ Việt Nam ngày càng đa dạng hóa về nội dung và lễ hội hóa về hình thức. Sau 13 năm tổ chức, Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành lễ hội thơ tao nhã, lịch thiệp về văn hóa, đáp ứng yêu cầu của đông đảo độc giả.”
Không biết có phải từ ý của nhà thơ Hữu Thỉnh hay không mà một nhà thơ quân đội đã đưa ra đề xuất: Ta có thể nâng cấp Ngày Thơ Việt Nam lên Lễ hội Thơ Việt Nam được chăng? Anh đưa ra những dẫn chứng hùng hồn: Ở sân chơi này, “người ta có thể đọc thơ, ngâm thơ, diễn thơ, hát thơ và cả sắp đặt thơ”. Rồi “Thơ gần gũi với những sinh hoạt dân gian truyền thống. Không ít bài thơ, câu thơ đã được đưa vào nội dung diễn xướng hát dân gian (hát dân ca, hát đối đáp, hát xẩm, phổ nhạc cho thơ, kịch thơ, múa thơ, …) hay hoạt động tâm linh (lời cúng, hát đồng, …). Thơ cũng có thể gắn với các “món chơi” truyền thống như đố chữ, vịnh thơ, ứng tác thơ, bình thơ, viết thư pháp thơ…”.
Cứ cho là Ngày Thơ Việt Nam được chuyển thành Lễ hội Thơ Việt Nam, thì có gì thay đổi để tương xứng với sự “nâng cấp” như cách hiểu của nhà thơ nọ? Hay cũng chỉ là “bình mới, rượu cũ”? Nếu chỉ thế, có nhất thiết phải thay đổi chỉ vì sự màu mè trong tên gọi? Người ta cảm thấy lung lay sự tin tưởng khi người đưa ra đề xuất nâng Ngày Thơ Việt Nam lên Lễ hội Thơ Việt Nam chỉ đưa ra dự đoán tương lai khá mù mờ: “Khi Ngày Thơ mang tầm vóc Lễ hội Thơ thì mọi sự chắp vá, tùy tiện, tùy hứng, lộn xộn, nhếch nhách sẽ bị xóa bỏ, thanh toán”…
Theo thống kê năm 2004 của Cục Văn hóa Thông tin cơ sở, Việt Nam có 8.902 lễ hội trong một năm. Cứ tính trung bình một ngày cả nước có 24 lễ hội. Việc nâng tầm Ngày Thơ lên Lễ hội Thơ, nói hơi quá, cũng chỉ là “hạt cát trên sa mạc”. Nhưng một khi đã thành lễ hội thì nhiều tệ nạn kéo theo, nhức nhối là nạn “cướp”: Cướp lộc, cướp lương, cướp ấn, cướp phết … Nếu Ngày Thơ Việt Nam chuyển thành Lễ hội Thơ Việt Nam khéo lại xảy ra hiện tượng chưa từng có trong lịch sử: Cướp thơ để cầu may?
Ngày Thơ Việt Nam ngày càng thu hút về số lượng. Nhưng qua Ngày Thơ, khán giả liệu có còn chịu đọc thơ, nghe thơ, xem thơ…? Hay chỉ là hiệu ứng yêu thơ trong một ngày? Ngay cả nhà thơ thứ thiệt còn đang loay hoay với câu hỏi: “Thơ đứng ở đâu trên đường phố/Tôi hỏi vòm xanh không vọng tiếng trả lời” (Tham luận bằng thơ của nhà thơ Lê Minh Quốc trong hội thảo về thơ ở TP. HCM, nhân Ngày Thơ) thì việc gọi là “Ngày Thơ Việt Nam” hay “Lễ hội Thơ Việt Nam” cũng để làm gì? “Hoành” để làm gì?