Nhà thơ lớn
Trong tham luận Xuân Diệu nhà thơ tiên phong, GS Hà Minh Đức dành cho Xuân Diệu những đánh giá rất cao và trích dẫn những đánh giá cao của người khác. GS Đức cho rằng Xuân Diệu đã từ một nhà thơ lãng mạn trở thành nhà thơ tiên phong trong thơ Mới và tiên phong cả trong thơ ca cách mạng. Đem lại cái mới cho thơ Mới, biểu hiện ở cảm nhận hết sức mới mẻ về cuộc đời, và biểu hiện qua thơ tình, đáp ứng thị hiếu của công chúng thời đó, đặc biệt là lớp trẻ. Ông Đức trích dẫn Tô Hoài: “So với Tản Đà thì Thế Lữ mới nhưng so với Xuân Diệu thì Thế Lữ không mới”. Trích dẫn Tế Hanh: “Trong một lần trả lời phỏng vấn, được hỏi nếu có Nobel thơ cho Việt Nam thì ai xứng đáng, Tế Hanh đáp: Nguyễn Du sống lại thì tôi bầu cho Nguyễn Du. Còn nhà văn hiện đại, trước tiên tôi nghĩ đến Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, Thơ Thơ và Gửi hương cho gió của Xuân Diệu, và Lửa thiêng của Huy Cận”. Trích dẫn Nguyễn Khải nhận xét Nguyễn Tuân và Xuân Diệu “nửa người nửa thần”.
Nhà thơ Xuân Diệu.
Vũ Quần Phương gọi Xuân Diệu là một nhà thơ phong phú và một nhân cách phức tạp. Theo ông Phương, “bắt đầu năm thứ 100 của ông, có lẽ chúng ta nên mạnh dạn đi tìm một Xuân Diệu toàn diện hơn, xem Xuân Diệu có cái gì lớn và cái gì chưa phải lợi thế”.
Về thơ, Vũ Quần Phương phát hiện: Lãng mạn Thế Lữ là lãng mạn tiên cảnh kiêng khem và vô trùng. Lãng mạn Xuân Diệu nồng ấm da thịt trần gian đa sự, giàu sức sống. Xuân Diệu bám lấy trần gian rồi kỳ ảo hóa nó, tạo nên một trần gian kỳ ảo. Kỳ ảo mà đậm vị trần gian. Thơ Việt Nam trước Xuân Diệu chưa có không gian ấy.
Trong khảo cứu của Phạm Đình Ân, ở một số tập thơ Xuân Diệu, thời gian không còn là khái niệm chung mà trở thành một dấu hiệu phân biệt về phong cách sáng tạo, chỉ ra cá tính mạnh của nhà văn. Với Xuân Diệu, thời gian là một hiện thực phải chiếm lĩnh, một vật thể hữu hình cần nắm bắt, lưu giữ, bám chặt lấy. Thời gian trở nên một biện pháp cấu tứ, tu từ, chọn lọc hình ảnh. Ông Ân trích những câu thơ nổi tiếng về thời gian của Xuân Diệu: Ngọn gió thời gian không ngớt thổi/Giờ tàn như những cánh hoa rơi. Hoặc: Cái bay không đợi cái trôi/Từ tôi phút trước sang tôi phút này...
Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên nhận định thơ tình Xuân Diệu hay vì ông yêu thật, sống thật. Trong khi đó, nhà phê bình Đinh Quang Tốn lại đặc biệt chú ý sự cô đơn, nỗi niềm sâu thẳm cố giấu của nhà thơ. Và theo ông Tốn, dẫu thơ tình Xuân Diệu đến từ điều không có trong thực tế nhưng nó lại xuất phát từ cội nguồn thực trong tình cảm của ông, yêu đời và yêu người đến cháy lòng, cho nên ngoài giá trị hay của nghệ thuật, thơ tình của Xuân Diệu còn mang được phẩm chất của thánh hiền.
Người của giai thoại
Cũng như Tô Hoài, Nguyễn Tuân..., Xuân Diệu được người cùng thời kể vô số chuyện nghề và chuyện đời, không biết thật đến đâu và hư đến đâu.
Trong trí nhớ của Vũ Quần Phương, Xuân Diệu từng tự nói về mình “Tôi làm thơ đấu tranh thống nhất và xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng dở như anh Huy Cận, anh Chế Lan Viên nhưng tôi còn có đặc sản là thơ tình”. Và Xuân Diệu gọi loại thơ phục vụ xã hội của mình là một thứ “thuế thân”, ông rất ý thức việc đóng thuế thân đó.
Cũng theo ông Phương: “Khi chúng tôi làm tuyển tập Xuân Diệu thời chưa đổi mới, Giám đốc NXB Văn học dặn Xuân Diệu chọn 20 bài thơ trước cách mạng. Xuân Diệu đòi in hơn, không được bèn dỗi nói thôi không in nữa. Nhưng hôm sau ông bảo tôi, Phương ạ anh nghĩ rồi. Mình dỗi bảo không in, nó lại không in thật. Thôi các cậu in được bài nào cứ in, như cứu những đồ vật trong cái nhà bị cháy. Cứu được bài nào vứt ra ngoài sân, được cái chổi cái cối đá cứ mang ra. Còn việc sắp xếp cái nào hơn cái nào thì thời các cậu chưa phải lúc”.
Trần Đăng Khoa điểm sơ hai chặng thơ rõ rệt của Xuân Diệu mà ai cũng biết - trước cách mạng thì rạo rực yêu đương và sống cuống quít bay bổng, sau cách mạng thì kéo thơ về mặt đất và cố gắng đưa thật nhiều thực tế đời sống vào thơ. Nhiều lần Xuân Diệu phàn nàn với Khoa: “Cái mồm của thơ ta bé quá. Phải rạch nó ra để nhét đất đá của đời sống vào”.
Nhà phê bình Hồng Diệu kể Xuân Diệu vào năm 1960 về Nam Định tức cảnh làm bài thơ Trước cổng nhà máy xay có bốn câu cuối thế này: Cổng đóng, tôi tựa cổng - đứng chơi/Nhìn vào nhà máy với nhìn trời/Thấy mình chắc dạ, nghe no đủ/Như cả Nhà xay: gạo của tôi.
Đã nộp “thuế thân” đến mức ấy mà còn bị một nhà thơ trách cứ: “Mọi người đang lao động vất vả, tất bật xây dựng chủ nghĩa xã hội, góp phần đấu tranh thống nhất đất nước mà nhà thơ còn đứng chơi!”.
Nhớ thời chúng tôi học cấp 2, sách giáo khoa Văn có bài Ngói mới của Xuân Diệu. Trước đó đã kịp mê những Thơ thơ, Gửi hương cho gió. Nay thì: Trên những đường tôi dạo tôi qua/Tôi đã nghe nhiều những khúc ca..., đại loại thế. Điệp từ ngói mới trở đi trở lại. Hồi đấy cũng ngoan ngoãn học, cũng thấy dễ thuộc.
Ông Hồng Diệu còn kể: Xuân Diệu có một quyển sổ ghi những thứ phải chi tiêu hàng ngày: Mấy mớ rau muống, vài lạng thịt chó, dăm ba quả trứng gà... do người giúp việc hoặc chính ông mua. Thấy Hồng Diệu cứ lật đi lật lại từng trang có vẻ soi mói, nhà thơ bảo: Chắc từ bé anh đã chịu khó chịu khổ quá nhiều nên bây giờ mới tỉ mẩn như một bà già lắm điều thế.
Đời thường của nhà thơ, nghệ sĩ có nhiều chuyện rất hay. Cũng có những chuyện làm ai đó thất vọng vì không như người ta hình dung. Nhưng lỗi nếu có, liệu có phải của nhà thơ? Đây là thơ Trần Dần: Đến bao giờ? Đến kiếp nào/Người ta mới biết nuôi thi sĩ/Chế độ nào dám bỏ hẳn một năm/ Cho anh làm một bài thơ?/Ồ ba tháng có gì quá đáng/Anh sẽ cháy hơn muôn đám cháy... (bài thơ Xin nghỉ phép).