Giải trí Hà thành xưa và nay
Thuở xưa, trong khung cảnh làng xóm, không gian công cộng là đình, đền, chùa, miếu, đa phần để phục vụ tôn giáo, tín ngưỡng hay hành chính; chức năng giải trí rất ít. Chùa thờ Phật, đền thờ thánh. Ở ngôi đình, dưới ban thờ thành hoàng, tế lễ, rước xách, bàn việc làng xong, các cụ ngả cỗ ra ăn uống, có phân ngôi thứ. Làng lại có giáp, những tổ chức rất đa dạng, đòi hỏi chốn tụ tập riêng. Những ông cùng tuổi họp sân nhà ai đó, chỉ chai rượu, đĩa lạc là đủ. Phường thợ thì ra nhà thờ tổ nghề, rồi ai ai có chữ đến văn chỉ… Thảng hoặc, từng vùng lại có phủ thật to, mùa hội trống phách cả ngày lẫn đêm. “Ghé” vào những sinh hoạt đó là chiếu chèo, giá đồng, sân quan họ, sới vật, sới chọi trâu, không hẳn “văn nghệ thể thao” trăm phần trăm mà còn ôm nhiều mục đích khác.
Rồi thành thị mọc lên, với những nhu cầu tinh thần cho thị dân. Như Hà Nội, quanh Văn Miếu – Quốc Tử Giám là khu giải trí cho sĩ tử. Thời Tây vào và đã đứng vững, rạp Sán Nhiên Đài phố Đào Duy Từ là sân khấu hộp đầu tiên bê chèo từ sân đình vào diễn, diễn viên sống bằng nghề. Hai đầu khu phố cổ có hai điểm công cộng, thì quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục (tên gọi ngày nay) với mặt thoáng trông ra Hồ Gươm, đài phun nước, đáng để làm những sinh hoạt xã hội. Còn trước mặt chợ Đồng Xuân thực ra là bãi rộng cho buôn bán. Lang thang trong các phố “Hàng”, lại gặp chùa Cầu Đông, đình Bạch Mã, cốt để tế lễ, và các hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến, Hoa kiều lập nên chơi riêng với nhau.
Ngần nấy điểm rõ ràng là không nhiều so với nhu cầu chơi của cư dân chật ních trong phố cổ. Cho nên KTS Nguyễn Trương Quý, trong cuốn tản văn Mỗi góc phố một người đang sống nêu nhận xét đúng và nghiệt ngã: Chúng phân tán, không hẳn đã mở cho khách thập phương. “Ý niệm không gian nghệ thuật ở những nơi này cũng mờ, cho dù có thể có các gánh hát dân gian, các buổi diễn xướng cho đến các nghi lễ cúng bái dùng âm nhạc”.
Giờ thì sân chơi chung đã nhiều hơn hẳn. Hát dân ca ở vỉa hè Hàng Bạc, trong nhà cổ Mã Mây, cốt phục vụ đám du lịch quần đùi áo cộc. Quán Bích Câu cầu kỳ, thanh lịch nho nhỏ chiếu ca trù. Sân khấu quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cạnh đền Bà Kiệu, trước chợ Đồng Xuân tưng bừng tuyên truyền trong những ngày lễ. Mỗi nơi mỗi mục đích, nghĩa là vẫn phân tán, nhỏ lẻ. Cần một cái to, đủ cho nhu cầu xem nghe hoành tráng, và khán thính giả cùng “thăng” với người diễn chứ không hoàn toàn thụ động.
Hoàng Thành- Phát hiện mới
Mới đây có một cái to diễn ra: Liên hoan Âm nhạc Gió mùa, tại Hoàng Thành. Nhà tổ chức muốn nâng tầm hoạt động lên đã mời nhiều người, nhiều nhóm quốc tế có tên tuổi đến. Một khung cảnh hội hè. Người xem trẻ tuổi “nhập đồng” đu đưa, nhún nhảy, reo hò theo những gương mặt, giai điệu mình hâm mộ. Người diễn “cháy hết mình” trên sân khấu được thiết kế hiện đại. Phía sau, trẻ con tha hồ chạy nhảy, mó máy, người dẫn chúng đi hoặc người không “máu” quá có chỗ ngồi uống. Truyền thông đánh giá hiệu quả của sự kiện nói chung là tích cực: Chuyên nghiệp, nhiều dòng nhạc, kéo khách, tài trợ đông. Và chỉ ra vài cái “ngoại trừ”: Trời mưa mất hai đêm, thảm cỏ bị giẫm đạp chút ít, và cái lệ không được mang chai nước vào bỗng đâu được “làng” lôi ra, rồi sân khấu hơi bị hoành tráng...
Một sân chơi chung đã được phát hiện: Hoàng Thành. Cái khu vực gần Ba Đình tôn nghiêm, trước là doanh trại quân đội, xa xưa chỉ dành riêng cho vua chúa, bỗng nhiên thành nơi tụ tập giải trí cho bách tính. Không xa trung tâm, khép kín để quản lý, bán được vé, có chỗ gửi xe, bên trong là bãi rộng đủ dựng sân khấu và người xem vùng vẫy. Và điều mang lại sự sang cả, đó là Di sản Văn hóa Thế giới, công nhận năm 2010. Được “cùng sáng tạo” với sao nhạc quốc tế tại nơi có bề dầy lịch sử, chừng như con người ta dễ máu lửa hơn. Cho nên đông khách, đông tài trợ. Nhà tổ chức đến là sành sỏi.
“Thêm cái sân chơi là tốt cho thành phố đang cần nhiều giải tỏa, nhưng phấn đấu để đạt danh hiệu di sản rồi lại khai thác nó theo hướng thương mại hóa (mới manh nha thôi) thì rất không ổn”.
Nhà báo nhà văn Trần Chiến
Những điểm khác từng tổ chức nhiều sự kiện đông đúc không sao có ưu thế như Hoàng Thành. Sân Mỹ Đình đã kêu giời vì mặt cỏ hại. Nhà thi đấu Quần Ngựa phải ngồi tại chỗ, reo hò rất không đã. Trung tâm Hội nghị Quốc gia xa xôi lại tôn nghiêm quá. Vườn Bách thảo không đủ kín, khó thu vé. Nên có cái “ao nhà” tiện lợi thế về “tắm” cho thỏa thích, hái ra tiền dễ quá. Nhưng cái sự tiện lợi này đang đẻ ra vài điều bất ổn, sự đe dọa mới chỉ ở dạng tiềm năng.
Đã là di sản thì phải được đối xử theo luật di sản. Làm thế này có phạm luật không, tôi không biết nên không dám mạnh mồm. Nhưng ảnh hưởng thì có đấy. Không gian Hoàng Thành tôn nghiêm như cái bàn thờ của thủ đô, lưu giữ hồn cốt nghìn năm lịch sử, nơi ra những quyết định trọng đại liên quan đến vận mệnh đất nước, lẽ nào hợp với hiện đại náo nhiệt, đứng ngồi thế nào tùy tiện. Đám đông bỗ bã, không phải ai cũng có ý thức, nhỡ ra phạm vào ông rồng đá cổ kính bậc nhất xứ sở thì sao. Đã chả có lễ hội hoa anh đào chen cướp làm gương xấu đó ư. “Hiệu ứng đám đông” cho biết tại đây nghĩa cử cảm động hay hành động xấu đều dễ bùng ra to chuyện, rất khó kiểm soát. Xảy rồi ai chịu trách nhiệm?
Thực ra Hoàng Thành từng diễn ra vài sự kiện lớn khác, như đại hội Phật giáo, hội sách… Nhưng tính chất, ảnh hưởng của nó khác hẳn. Cái quang cảnh cả nghìn bà vãi ngồi tụng kinh trên bãi cỏ rất hợp. Khách đi xem sách, nghe bình thơ, giao lưu với tác giả cũng bình tĩnh, cư xử đúng phép, tôn trọng cảnh quan. Tôi không dám cho là khán giả âm nhạc “thấp kém” hơn, nhưng cũng phải phòng câu “ngộ nhỡ…”. Thêm cái sân chơi là tốt cho thành phố đang cần nhiều giải tỏa, nhưng phấn đấu để đạt danh hiệu di sản rồi lại khai thác nó theo hướng thương mại hóa (mới manh nha thôi) thì rất không ổn. Cái lợi đã thấy, ai được hưởng cũng thấy, nhưng cái hại cũng đã có thể lường ra.
Có cung ắt có cầu. Theo đà này, Gió mùa và không ít sự kiện đông đúc nữa còn diễn ra tại Hoàng Thành, “thường niên”, được đánh số. Vấn đề nêu lên với các nhà tổ chức, bên thuê địa điểm là dĩ nhiên, nhưng với ngành văn hóa thủ đô, bên quản lý di sản mới là chính. Yếu không nên ra gió. Di sản mong manh, khai thác dễ dãi không được đâu. Mà Hà Nội từng có tiền lệ xấu. Quãng hai chục năm trước, không có cả trăm bài báo “đánh” thì khách sạn Hà Nội Vàng vi phạm quy hoạch đã mọc lên bên hồ Hoàn Kiếm. Tưởng thế là xong. Ai ngờ sau đó ngành điện lực lại “suýt” chồng tòa đồ sộ đè nghít không gian văn hóa – lịch sử này, báo chí lại phải vào cuộc. Thử nhìn nơi khác xem, Huế cho diễn như thế trong Đại Nội không, hay bên Ý, người ta có tùng xòe trong khu đấu trường Coloseo cổ kính…
Có một không gian công cộng, cái sân chơi chung thích hợp là nhu cầu chính đáng. Nhưng còn phải cất công đi tìm, tốn của cải và tâm, tầm mới bền lâu, “để phúc” cho người sau, không ăn sẵn được đâu.