Những vườn hoa giữa biển
Chúng tôi đến Trường Sa những ngày đầu tháng 5/2015 trong Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương. Thật ngỡ ngàng khi cùng với bàng vuông, phong ba, vốn là những loại cây mang thương hiệu của đảo, lại bắt gặp cả những giò phong lan đang nở hoa, những chậu hoa giấy đỏ, tím một góc đảo, hay những chậu mười giờ, chiều tím đung đưa theo gió. Cách xa đất liền hàng trăm hải lý, không ai tin vào mắt mình khi ngồi uống nước dưới những giò lan đang nở hoa trên đảo Song Tử Tây.
Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây thời điểm đó, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết tất cả số hoa lan này đều được gửi tặng từ đất liền từ tháng 4/2014. “Mình quê ở Thái Bình, trong đất liền cũng có trồng vài giò phong lan nên có ít kinh nghiệm. Ngoài này phải trồng bằng xơ dừa, mùn cây. Anh em thường dùng nước thải sinh hoạt để tưới cho hoa, bón phân nên hoa nở cũng nhiều và đều”, ông Cường nói. Ngoài phong lan, trên đảo còn có thêm hoa giấy, hoa sứ, hoa mười giờ xung quanh đảo. Cuối năm 2015, chỉ huy trưởng về lại đất liền, những giò lan lại được chuyển giao cho người kế cận. Anh Trần Văn Thơ, một chiến sĩ trên đảo gọi điện về cho biết, số hoa lan vẫn còn nhiều dù cho đôi lần bị ảnh hưởng bởi những đợt bão, gió. “Trên đảo đang mở rộng thêm mấy khu vực trồng hoa. Mười giờ, hoa giấy, chiều tím… nhiều lắm”, anh Thơ nói.
Cùng đợt được tặng hoa lan như Song Tử Tây, Trung tá Phạm Văn Dũng (Nam Trực, Nam Định), Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết, thấy phong lan cứ chết dần chết mòn vì lạ khí hậu nên rất tiếc. Nghĩ mãi, anh nhờ anh em xếp củi dưới đáy chậu, ở trên có một lớp xơ dừa rồi phủ lớp đất mùn lên cho cây ra rễ. Chậu hoa lan được đặt ngay cạnh cột mốc chủ quyền, bên những chậu hoa giấy cao hơn đầu người đang mùa ra hoa. “Ngoài giờ làm nhiệm vụ, được ngắm vài bông hoa nở thấy thư thái lắm. Bản thân mình thích làm đẹp cho đảo. Ngoài ra mình còn bảo anh em xây dựng thêm hòn non bộ. Ngoài hoa lan còn có hoa nhài, hoa giấy, hoa sứ, hoa súng... Riêng hoa súng thì phải mang thêm bùn từ đất liền ra”, anh Dũng chia sẻ. Gần cuối năm, anh Dũng chuyển công tác về đất liền, những người kế cận lại tiếp tục công tác làm đẹp cho đảo. Trung tá Phạm Văn Trọng, hiện là Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết, hoa lan hiện còn khoảng 20 – 30 giò nhưng bù lại, anh em trồng thêm được nhiều hoa mười giờ, hoa giấy, hoa sứ, chiều tím. “Bây giờ anh ra lại đảo chắc không nhận ra đâu. Hoa trên đảo nhiều lắm. Hoa giấy, hoa mười giờ nở tưng bừng khắp đảo. Các cụm đều có cả”, anh Trọng nói.
Chim chào mào nuôi trên đảo Trường Sa. Ảnh: Trường Phong
Đón đoàn khách đến thăm, lãnh đạo đảo Nam Yết liền dẫn đi xem cây muống biển trăm tuổi và cây mù u, bàng vuông trên đảo được xác lập cây di sản quốc gia. Cùng phóng viên đi một vòng, Thượng tá Phạm Văn Lý, Chỉ huy trưởng đảo chia sẻ, đảo có rất nhiều loại hoa. “Chúng tôi vận động mỗi cán bộ, chiến sĩ ra đảo mua một cây hoa chiều tím. Còn hoa giấy thì chịu được điều kiện khắc nghiệt, lại dễ trồng, ra hoa đẹp nên được trồng nhiều”, anh Lý nói. Đến nay, dù về đất liền được một thời gian nhưng anh Lý vẫn hay gọi điện cho anh em ngoài đó. Sau hỏi thăm sức khỏe, công tác thì thế nào cũng phải hỏi về mấy chỗ hoa cỏ xem thế nào. Thượng tá Lý bảo, sau giờ tập luyện căng thẳng, có vài cây hoa mọi người sẽ bớt nhớ nhà, nhớ quê hương.
Với những đảo chìm như Đá Thị, Cô Lin, Đá Tây… việc có thêm những bồn hoa giấy, hòn non bộ trên đảo là niềm vui lớn với anh em chiến sĩ. Trung úy Nguyễn Trường Quân, đảo Đá Thị chia sẻ, trên đảo trồng từ trước được một ít hoa giấy, còn chủ yếu mang từ đất liền ra. “Dù khẩu phần nước ngọt có ít, nhưng anh em vẫn chia sẻ để tưới cho cây. Thường thì anh em tắm trong chậu, hứng nước thừa để tưới cây, tưới rau”. Nói thêm, anh Quân bảo, đôi khi, chỉ nhìn thấy một cánh hoa cũng vơi bớt cảm giác nhớ đất liền.
Chọi gà giữa Trường Sa
Có đến thăm đảo Trường Sa mới thấy sự khắc nghiệt của thời tiết và sức sống kỳ diệu của cây cối. Xen giữa vài ba cây đu đủ bị gẫy gập thân do gió bão, những mầm cây vẫn vươn lên và đơm hoa, kết trái. Những chiến sĩ ở trên đảo cũng vậy, dù khó khăn nhưng vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Ra Trường Sa, nhiều người sẽ ngạc nhiên bởi có chim cảnh, gà chọi và những giò phong lan đung đưa theo gió. “Đảo có nhiều cây cảnh. Riêng hoa lan có hơn 150 giò. Trồng hoa tốn nhiều nước ngọt, lại phải tưới thường xuyên nhưng có thêm hoa, đời sống anh em phong phú thêm, có niềm vui sau những giờ làm việc căng thẳng”, lãnh đạo đảo Trường Sa chia sẻ.
Gà chọi nuôi trên đảo Trường Sa. Ảnh: Trường Phong
Lúc chúng tôi đến thăm đảo Trường Sa, Thái Văn Hiếu, sinh năm 1995 đang mang gà chọi ra “dứ dứ” với gà trống trên đảo. Dù ba bốn lần “gạ gẫm” nhưng hai chú gà vẫn không lao vào nhau. Nhốt gà vào lồng, Hiếu bảo, đợt ra đây mang theo 3 con nhưng sóng gió nhiều nên chết mất 2. “Mình nuôi từ đợt bé bằng nắm tay. Giờ được hơn một năm rồi”, Hiếu nói. Hiếu khoe chỉ huy đảo cũng có nuôi gà chọi. Đợt có ngày lễ, ngày Tết là mấy khu mang gà ra đá với nhau. “Cả đảo có hơn chục con gà, có cả chim, gà tre nữa” Hiếu nói.
Quê ở Quỳnh Phụ, Thái Bình, Trung tá Đỗ Thế Tuyến hiện đang là Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết, đảo có truyền thống mang gà, chim cảnh ra nên anh em chiến sĩ cũng học theo. “Đợt ra đây mình mang theo gà chọi, chào mào, chích chòe, cu gáy và bồ câu. Trên tàu, vừa phải lo cho người, vừa phải lo cho gà, cho chim”, anh Tuyến nói. Nuôi gà, nuôi chim trên đất liền thì đơn giản, nhưng ở đảo là cả một nhiệm vụ khó khăn. “Anh em trên đảo cứ người nào rảnh thì làm nhiệm vụ chăm sóc chúng. Có thóc gửi ra từ đất liền. Trên đảo có chuối, và đu đủ để cho chào mào”, anh Tuyến nói thêm.
Trước khi công tác tại đảo Trường Sa, anh Tuyến đã từng công tác tại Sơn Ca, Trường Sa Đông. Tự nhận là người lãng mạn, dù ở đảo nào, anh cũng chăm chút cho không gian chung của đảo. “Ở Sơn Ca mình tổ chức làm bàn ghế gỗ, cho anh em làm khuôn viên vườn hoa tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mình còn nuôi cả khướu bên đó nữa”, anh Tuyến nói. Anh Tuyến cho biết, sắp tới sẽ làm thêm nhiều khuôn viên trồng hoa, mang thêm gà ra đảo. “Sắp tới sẽ có thể có thêm gà 9 cựa, thêm nhiều chim nữa”, anh Tuyến nói, đồng thời chỉ lên vài ống nước mưa treo trên ngọn cây bàng vuông, phong ba bên đường: “Bọn mình treo nước lên cây để chim hoang dã khi bay đến có nước uống và ở lại. Có vài con đã ở lại và sống gần chỗ chùa đấy. Có chim chóc hót, gà gáy buổi sáng anh em vui vẻ hơn nhiều”.