Hãy để dân giám sát

TP - Diễn đàn “Kiểm soát tài sản quan chức - cách nào ?” trên báo Tiền Phong đang nhận được sự tham gia, hiến kế của đông đảo bạn đọc và chuyên gia trên khắp các lĩnh vực, trong đó có cả những kinh nghiệm từ các nước Âu, Mỹ về vấn đề này.
Đoàn giám sát của Quốc hội kiểm tra công tác di dân. Ảnh minh họa

Có chuyên gia đề nghị nên có quy định, quan chức từ cấp nào đó trở lên, trước khi được đề bạt bắt buộc phải công khai tài sản để người dân giám sát. 

Vấn đề này, nhiều nước trên thế giới cũng đã thực hiện từ lâu. Thậm chí, theo chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành, tại Mỹ các bộ trưởng khi nhậm chức bắt buộc phải ký bàn giao tài sản riêng có liên quan tới lĩnh vực mình phụ trách cho một tổ chức quản lý tài sản quản lý. Đó là cách để tránh có xung đột lợi ích, tránh tham nhũng, tiêu cực. 

Việc công khai tài sản của quan chức cho toàn dân được biết không chỉ góp phần nâng cao tính minh bạch của hệ thống mà còn trở thành chất xúc tác cải cách hệ thống. Tại Mỹ các quan chức liên bang được bầu hoặc được bổ nhiệm đều phải kê khai và công khai tài sản cho người dân biết. 

Tại các nước Bắc Âu, tài sản của nhiều quan chức cũng được công khai trên mạng internet. Việc kê khai tài sản không trung thực tại nhiều nước đều có chế tài rõ ràng, từ xử lý hành chính như kỷ luật, cách chức, phạt tiền tới trách nhiệm hình sự.

Tại Việt Nam, một thời gian dài các bản kê khai tài sản quan chức rất ít người được biết. Gần đây, quy định mới đã yêu cầu công khai bản kê khai trong diện hẹp là cơ quan hoặc hội nghị cán bộ chủ chốt. Từ chỗ kê khai nhưng không công khai đến chỗ công khai trong nội bộ là một bước tiến mới trong việc kiểm soát tài sản cán bộ có chức quyền. 

Trên thực tế, đã là quan liêm, trong sạch và đàng hoàng, đều sẵn sàng công khai tài sản của mình cho mọi người biết, không có gì phải giấu giếm. Vấn đề ở chỗ, chúng ta chưa xây dựng được một hệ thống pháp lý đồng bộ để kiểm soát được thu nhập công dân, giao dịch tiền mặt vẫn là phương thức phổ biến kể cả với các tài sản giá trị lớn như nhà cửa, đất đai, xe cộ… 

Ở ta, hầu như chưa thấy ai bị cơ quan thuế “hỏi thăm” hoặc phải giải trình nguồn gốc thu nhập khi mua sắm tài sản có giá trị lớn. Trong khi đó tại nhiều nước chuyện này khó “qua mặt” được các cơ quan chức năng. Đó chính là lỗ hổng để những khoản tiền bất minh có thể chuyển đổi sang bất động sản, xe cộ và các tài sản giá trị khác. 

Chính vì vậy tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng ngày 5/5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu : “Quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện qua ngân hàng để kiểm soát, ngăn ngừa giao dịch bất hợp pháp, rửa tiền, tham nhũng”.

Ở bất kỳ nước nào trên thế giới, thực hiện nghiêm túc việc công khai tài sản và kiểm soát thu nhập của quan chức chính là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng. Bởi một khi người dân được giám sát, quan tham sẽ khó bề lấp liếm.