Trước đó, sáng 20/9, liên Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế đã công bố thông tin về môi trường biển và việc sử dụng hải sản tại vùng biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Theo kết luận của Bộ Y tế, tất cả các hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản nuôi ở vùng đầm nuôi của 4 tỉnh miền trung đều đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, các loại cá tầng đáy như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, cá đục, bạch tuộc, cua đá…ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm. Lý do là 132 mẫu hải sản ở tầng đáy được phát hiện nhiễm phenol-một trong hai độc tố gây nên sự cố cá chết. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị không sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy trong vùng 20 hải lý.
Vấn đề được nhiều người đặt ra là làm sao phân biệt được hải sản tầng mặt, tầng đáy, làm sao biết được hải sản tầng đáy ở phạm vi trong hay ngoài 20 hải lý? Trước băn khoăn này, ông Hà Công Tuấn cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước và ngư dân-những người trực tiếp tham gia đánh bắt nắm rất rõ đâu là hải sản tầng mặt, tầng đáy.
Còn về phạm vi trong và ngoài 20 hải lý, ngoài 20 hải lý là đánh bắt xa bờ, hầu hết phương tiện dùng là tàu trên 90 mã lực. Tất cả các tàu này đều phải có hải trình rõ ràng như đánh bắt ở ngư trường nào.
Với cơ quan quản lý, hải sản sẽ được kiểm soát bởi liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế. Việc kiểm soát sẽ thực hiện tại cảng. Cơ quan chức năng vừa kiểm tra hải trình của tàu cá vừa giám sát phân loại hải sản ở tầng nổi và tầng đáy. Hải sản tầng nổi sẽ cho lưu thông bình thường, hải sản tầng đáy thì phân lô và kiểm nghiệm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn.
Ông Hà Công Tuấn nói “người dân bình thường có thể không phân biệt được hải sản tầng nổi, tầng đáy nhưng chúng ta đã làm các giải pháp để sản phẩm hải sản đánh bắt ra thị trường là an toàn, người tiêu dùng có thể yên tâm”.
Chi tiết vấn đề giám sát hải sản được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố gồm thực hiện giám sát tại cảng cá, bến cá khi tàu của ngư dân cập bờ và lưu ý các loại hải sản tầng đáy thường gặp ở 4 tỉnh miền Trung.
Thời điểm lấy mẫu giám sát là khi sản phẩm khai thác được bốc dỡ từ tàu khai thác đưa lên bờ tiêu thụ. Tần suất lấy mẫu 2-3 ngày/lần, tùy vào điều kiện thực tế ở địa phương. Số lượng mẫu sẽ đại diện cho các tàu đang đưa cá lên bờ tại thời điểm lấy mẫu, sẽ lựa chọn các cá thể mẫu đảm bảo đại diện tầng sinh thái (tầng đáy, tầng nổi) và các loại hải sản khác nhau.
Nuôi trồng bình thường, đánh bắt chọn lọc
Liên quan đến vấn đề nuôi trồng, đánh bắt hải sản ở bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, với nuôi trồng, các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân hoạt động nuôi trồng thủy hải sản nước mặn, nước lợ bình thường với tất cả các phương thức nuôi: nuôi lồng bè, bãi triều, nuôi trong ao, đầm.
Cùng với việc nuôi trồng, thực hiện công tác quan trắc môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy, hải sản tập trung trong đó bổ sung các thông số quan trắc là phenol, xyanua.
Về đánh bắt, các địa phương hướng dẫn người dân hoạt động khai thác hải sản bình thường trên các vùng biển, kết hợp với lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm với hải sản khai thác.
Tuy nhiên, với ba vùng biển nhạy cảm mà hàm lượng độc tố còn cao là Sơn Dương - Hà Tĩnh (diện tích khoảng 300 km2), cửa Nhật Lệ - Quảng Bình (diện tích khoảng 330 km2), hòn Sơn Chà - Thừa Thiên - Huế (diện tích khoảng 160 km2), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo ngư dân chưa khai thác.
Đồng thời, Bộ cũng khuyến cáo ngư dân không sử dụng các nghề khai thác tầng đáy như câu đáy, lưới kéo, lặn lồng bẫy, khai thác nhuyễn thể hai mảnh, trong vùng 20 hải lý trở vào bờ thuộc bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.