Hành hương nghệ thuật về Điện Biên Phủ

TP - Hơn 100 văn nghệ sĩ tham gia Hành hương nghệ thuật về Điện Biên Phủ, xuất phát từ Hà Nội sáng 9/3. Đây cũng là chương trình đầu tiên hướng tới 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Nhạc sĩ Hoàng Vân, tác giả “Hò kéo pháo” có mặt trong đoàn hành hương về Điện Biên Phủ

Cuộc hành hương có sự tham gia của Liên hiệp các Hội VHVN Việt Nam, Hội Nhà văn VN, Hội Nhạc sĩ VN. 

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm theo nghi lễ trang trọng, có yếu tố tạo đội hình, tạo sự hấp dẫn, hướng về Điện Biên Phủ. Đây cũng là tình cảm của văn nghệ sĩ đối với quá khứ, lịch sử, đối với sứ mạng văn nghệ, văn hóa của đất nước” nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam nói, tại họp báo sáng 5/3. Đại diện BTC cũng nói thêm, chuyến đi này có thể mang đến cảm xúc mới cho giới sáng tác.

Trong số các con đường quân, dân ta từng tiến về Điện Biên Phủ, đoàn văn nghệ sĩ chọn con đường huyết mạch khi xưa ta tiến từ đồng bằng lên, qua Hòa Bình, Sơn La đến Điện Biên. Đoàn có ba đêm nghệ thuật 9/3 (Hòa Bình), 11/3 (Sơn La) và 13/3 đoàn nhập vào Lễ hội hoa ban, do TP Điện Biên Phủ tổ chức. Lễ hội hoa ban đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc sẽ khép lại hành trình.

Chương trình nghệ thuật do Đoàn Nghệ thuật Quân đội (Nhà hát Ca múa nhạc VN) phối hợp đoàn nghệ thuật ba tỉnh biểu diễn. Với nhạc, thơ, múa và giao lưu.

Những tác phẩm gắn với Điện Biên Phủ, Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Hò kéo pháo, Trường ca Sông Lô, Trên đồi Him Lam, Hành quân xa, Qua miền Tây Bắc, Tình ca Tây Bắc, Giải phóng Điện Biên.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đích thân dẫn đoàn cho biết, chuyến đi lần này còn tranh thủ sự có mặt của một số nhân chứng từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Dự kiến, trong đoàn hành hương từ Hà Nội có nhạc sĩ Hoàng Vân, nhà văn Hồ Phương, nhà thơ Lê Kim, nhà văn-Thiếu tướng Chu Phác. Ngoài nghệ thuật, đoàn cũng giao lưu với cựu chiến binh Điện Biên Phủ.

Cuối tháng 3, Cô Sao về với Sơn La

Sau nhiều năm ấp ủ, vở nhạc kịch Cô Sao sẽ công diễn tại Sơn La hai đêm 25, 26/3, với hơn 100 diễn viên, nhạc công của Dàn nhạc Giao hưởng VN, Nhà hát Ca múa nhạc VN.

“Nhiều chi tiết, tư liệu gắn liền với đồng bào Thái ở Sơn La, nên việc phục dựng đưa Cô Sao về nơi khởi nguồn có ý nghĩa rất lớn. Chúng tôi mong muốn ngoài công bố vở diễn, đây còn là sự tri ân các chiến sĩ. Ca ngợi đời sống hôm nay nó liên quan đến vấn đề giải phóng con người, giải phóng dân tộc mà nhạc sĩ Đỗ Nhuận lấy cảm hứng từ câu thơ của Hồ Chủ tịch: Trên đời nghìn vạn điều cay đắng/Cay đắng chi bằng mất tự do”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết. Dù điều kiện chưa thật sự hoàn hảo, nhưng các nghệ sĩ tham gia trên tinh thần tự nguyện, tự túc. UBND tỉnh Sơn La cũng hứa chung tay giúp sức.