GS Ngô Bảo Châu: Đối thoại chứ đâu phải đấu tố giáo dục

TP - Trong hai phiên thảo luận cuối cùng của hội thảo Cải cách Giáo dục Đại học (GDĐH) do nhóm Đối thoại Giáo dục của GS Ngô Bảo Châu chủ trì, diễn giả cũng như khách mời tiếp tục mổ xẻ những bất cập trong GD ĐH Việt Nam để cùng tìm kiếm, đề xuất giải pháp. Không chỉ đưa ra những bất cập về chính sách, các học giả cho rằng các trường ĐH cũng cần soi lại chính mình.
GS Ngô Bảo Châu (áo vest đen) tại buổi Đối thoại giáo dục Đại học. Ảnh: Quý Hiên

Tự mỗi giảng viên đều có thể làm cho ĐH tốt hơn


Theo GS Vũ Hà Văn, điều hiển nhiên mà ai cũng có thể nhìn thấy là cần tìm được liều thuốc đặc trị cho cơ thể đang bị ốm của nền GDĐH Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi chờ giải pháp tổng thể thì mỗi cán bộ, giảng viên đều có thể hành động để góp phần làm cho trường ĐH của chính mình lớn mạnh hơn. Để minh họa cho luận điểm của mình, GS Vũ Hà Văn chia sẻ một số trải nghiệm của chính ông trong suốt 20 năm gắn bó với nền GDĐH Mỹ. 

GS Vũ Hà Văn cho biết, thời gian làm việc của một giáo sư ở Mỹ không chỉ đơn thuần dành cho hai hoạt động là nghiên cứu và giảng dạy. Một hoạt động thứ ba mà các GS ở Mỹ xác định quan trọng không kém gì hoạt động chuyên môn thuần túy, đó là phục vụ. Tỷ lệ thời gian của ba phần nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ là 40 - 40 - 20. “Việc phục vụ mà các GS ở Mỹ phải làm chỉ để cho một mục đích duy nhất là làm sao cho trường ĐH của mình mạnh lên. Khi tôi nói trường ĐH của mình nghĩa là tôi nói trường ĐH của tôi, không phải trường ĐH của bạn”. GS Văn kể.

Chỉ thay đổi được khi muốn thay đổi

Khi mổ xẻ khó khăn của các trường ĐH Việt Nam, TS Đàm Quang Minh đến từ Tổ chức Giáo dục Hoa Kỳ cho rằng, để tránh việc một trường ĐH, đặc biệt là trường ngoài công lập, đối mặt nguy cơ sụp đổ thì cần có giải pháp từ hai phía: Chính sách và hệ thống pháp lý và thái độ tự tôn. “Nếu chúng ta còn coi mình là một thứ hạng hai, là thứ dị biệt để tồn tại và cần phải dựa vào những chính sách riêng để tồn tại thì lý do để tồn tại của chúng ta càng mong manh hơn. Vì vậy hãy coi trọng mình bằng cách chấp nhận những chính sách hướng tới cái chung”, TS Đàm Quang Minh nhận xét. 

TS Nguyễn Xuân Thành (Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright) cũng đồng quan điểm này: “Khi nói đến việc giải quyết những yếu kém của GDĐH thì thật sự tôi nghĩ chúng ta sẽ không bao giờ có giải pháp. Chúng ta sẽ chỉ có giải pháp nếu như ta bằng lòng tạo không gian cho hệ thống giáo dục để tự nó tìm tòi, tự đổi mới. Chúng ta đều nói có nhiều bất cập trong vấn đề quản trị, bất cập ở bộ - cơ quan quản lý, bất cập ở trường. Nhưng dường như chúng ta nói như vậy vì xã hội bức xúc, còn những người quản lý trường thì rất hạnh phúc với cơ chế hiện nay. Chúng ta không muốn thay đổi, chúng ta vẫn muốn bộ chủ quản, chúng ta vẫn muốn có quy định, vẫn muốn ra Hà Nội để xin, và có cái gì còn có chỗ để đổ lỗi. Ra diễn đàn chúng ta nói là thay đổi, nhưng thực sự chúng ta không muốn thay đổi”.

GS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, ông và một số cán bộ của các cục, vụ liên quan của Bộ GD&ĐT đã dự đầy đủ năm phiên họp trong suốt hai ngày hội thảo và có ghi chép đầy đủ các ý kiến. 

“Chúng tôi đánh giá rất cao những ý kiến đóng góp của các bạn trong hội nghị lần này, vì đã hết sức thẳng thắn và có tinh thần trách nhiệm cao trong thúc đẩy đổi mới GD&ĐT ở VN. Những ý kiến các vị phát biểu, chúng tôi rất trân trọng nhưng chúng tôi cũng muốn lấy lại ý kiến mà anh Thành đã nói để nhấn mạnh: Muốn đổi mới thì trong từng nhà trường trước hết có thể đổi mới. Quyền tự chủ của nhà trường hiện nay quy định trong luật GDĐH cũng như các văn bản rất đầy đủ và mở rộng. Các trường có rất nhiều quyền tự chủ, nhưng vấn đề hiệu trưởng nhà trường, nhà trường có muốn thay đổi hay không!”

GS Ngô Bảo Châu: Xây dựng lòng tin để cùng làm việc 

“Cá nhân tôi thấy không khí hội thảo thật là cởi mở và thiện chí. Đó cũng là cách mà tôi nghĩ khi chúng tôi bắt đầu làm Đối thoại Giáo dục. Tôi nghĩ cái mà đất nước chúng ta thiếu nghiêm trọng là lòng tin. Một đối thoại xuất phát từ thiện chí, và luôn hướng tới chủ đề chuyên môn cụ thể, nhưng mà sản phẩm của đối thoại không chỉ là kết luận, đề xuất cụ thể mà còn có sản phẩm phụ - thực ra không phụ chút nào - là lòng tin. Chúng ta cùng nhau làm cái gì đó một cách xây dựng và thiện chí. Nghĩ đến việc đó quả là tôi rất thất vọng khi mà đọc một bài báo đăng ngày hôm qua… Khi mà đọc tít của những bài báo ra ngày hôm nay, nếu tôi không phải là người tham gia hội thảo thì tôi sẽ suy nghĩ đây không phải là đối thoại giáo dục mà là đấu tố giáo dục. Mọi người đều phải nhận thức rõ ràng chuyện nỗ lực của từng người có tính xây dựng ở đất nước này, trước hết xây dựng lòng tin để cùng nhau làm việc”.