Kiểm soát TSTN cũng là biện pháp tăng cường tính minh bạch của bộ máy nhà nước, sự liêm chính của cán bộ, công chức, người có chức vụ quyền hạn.
Với tầm quan trọng đó nên Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 và các luật PCTN sửa đổi sau này đã đặt ra một loạt các biện pháp nhằm từng bước kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn. Luật cũng đã giao cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát TSTN của người có chức vụ quyền hạn.
Tuy nhiên, sau 10 năm dường như mọi cố gắng nhằm kiểm soát được TSTN của người có chức vụ quyền hạn vẫn “giậm chân tại chỗ”. Đến nay chúng ta vẫn chưa có văn bản pháp lý chính thức nào xác định nội hàm của kiểm soát TSTN. Đề án kiểm soát TSTN của người có chức vụ quyền hạn từng dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét và ban hành trong năm 2015 nhưng rồi vẫn phải gác lại để chờ tới đây sửa đổi Luật PCTN. Trong khi đó các giải pháp đang thực hiện như kê khai, công khai bản kê khai tài sản thì hiệu quả rất thấp. Trong cả triệu bản kê khai TSTN thì số trường hợp được kiểm tra, xác minh và phát hiện ra sai phạm chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Tình trạng cán bộ giàu nhưng kê khai lại “rất nghèo” vẫn là câu chuyện gây nhiều bức xúc trong nhân dân.
Sự bức xúc của người dân còn thể hiện qua những yếu kém của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản tham nhũng từ người này, sang cho người khác. Ngăn chặn những nghịch lý “ông quan rất nghèo” nhưng “ông con lại rất giàu”… Đã đến lúc chúng ta phải có sự quyết tâm thực sự trong việc kiểm soát TSTN của quan chức. Thiết nghĩ điều này không khó, chỉ khó ở chỗ có thực sự muốn làm hay không mà thôi. Có như thế mới tạo ra sự đột phá mạnh mẽ trong việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng.