Giải quyết khiếu nại: Vận dụng quy định có lợi nhất cho dân

TP - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại buổi tiếp và giải quyết đơn kiến nghị của ông Nguyễn Xuân Lê (ấp Tam Tân, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi) về việc bồi thường sau khi thanh lý hợp đồng thuê đất tại nông trường Tam Tân (huyện Củ Chi), ngày 31/8.
Ông Nguyễn Xuân Lê vui mừng nắm tay Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong sau buổi tiếp xúc. Ảnh: H.T.

Theo báo cáo của Ban Tiếp công dân TPHCM, ông Lê và nhiều hộ dân liên tục gửi đơn khiếu nại về thời hạn hợp đồng, đơn giá đất cho thuê và việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất tại nông trường Tam Tân để xây dựng Khu đô thị Tây Bắc.

Có 239 hộ dân, trong đó có gia đình ông Nguyễn Xuân Lê đã nhận khoán, thuê 938 ha đất của nông trường Tam Tân từ năm 1993 để sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Năm 2004, UBND TPHCM có quyết định thu hồi 938 ha đất nông trường Tam Tân giao cho Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý và lập dự án xây dựng Khu đô thị Tây Bắc TPHCM.

Trên khu đất 938 ha vẫn còn 205 trường hợp có hợp đồng thuê khoán đất, trong đó gần 180 trường hợp có hợp đồng thuê khoán đất với thời hạn 20-30 năm. Các hộ dân đề nghị UBND TPHCM có chính sách hỗ trợ, bồi thường nhằm đảm bảo quyền lợi vì người dân đã bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc để cải tạo, biến đồng hoang thành những mảnh vườn màu mỡ.

Tại buổi tiếp công dân, ông Nguyễn Xuân Lê đề nghị: UBND thành phố thực hiện quy hoạch, phải thu hồi đất, người dân vui vẻ chấp hành, chỉ đề nghị được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ về hoa màu, chi phí đầu tư cải tạo đất theo quy định của nhà nước”.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), các hộ dân nhận khoán của nông trường và cải tạo đất xấu thành đất tốt, theo quy định khi thu hồi đất phải giải quyết thủ tục thanh lý hợp đồng nhưng chính quyền địa phương không làm cho người dân. “Đây là một thiếu sót lớn. Sau khi thanh lý đất xong, nếu bà con có nhu cầu thì thuê đất tiếp, tức tạm thời sử dụng đất đến lúc nhà nước thu hồi đất. Quyền lợi của người dân cần được đảm bảo”, ông Hồng nói.

Lãnh đạo Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc cho rằng nếu giải quyết theo tham mưu của Sở TNMT sẽ thiệt thòi cho người dân vì các hợp đồng cũ không quy định bên khoán, cho thuê (nông trường) bồi thường cho người thuê, nhận khoán, trong khi theo quy định hiện hành, người thuê, khoán sẽ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Cũng theo lãnh đạo Ban quản lý, việc mời gọi đầu tư vào Khu đô thị Tây Bắc rất khó, đến nay chưa có nhà đầu tư nào vì vậy, UBND TPHCM nên xem xét, quá trình canh tác, cho người dân tiếp tục thuê đất với thời hạn phù hợp, khi nào có nhà đầu tư thực hiện dự án thì thu hồi, bàn giao đất cho nhà đầu tư.

Đại diện UBND huyện Củ Chi cho biết kiến nghị của ông Lê và các hộ dân là chính đáng. Khu vực nông trường Tam Tân trước đây là vùng bưng biền, nay đã trở thành những vườn cây ăn trái, hoa màu, chứng tỏ công sức của người dân bỏ ra rất lớn.

Ghi nhận công sức của hơn 200 hộ dân đã cải tạo đất hoang hóa canh tác đóng góp cho sự phát triển của thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận: Việc thu hồi đất chắc chắn gây ảnh hưởng đến sản xuất của bà con. Tôi đã tiếp xúc với chú Sáu (ông Lê) và một số hộ dân, có giao cho Phó chủ tịch Lê Văn Khoa giải quyết nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Người đứng đầu UBND TPHCM giao các sở ban ngành chức năng trong thời hạn 30 ngày phải kiểm tra tình trạng sử dụng đất của 205 hộ dân đang thuê đất để tham mưu cho thường trực UBND thành phố xem xét giải quyết theo hướng vận dụng các quy định có lợi nhất cho người dân.

Kết thúc buổi tiếp dân, ông Nguyễn Xuân Lê xúc động bày tỏ: Tôi rất mừng. Tôi và bà con luôn tin rằng UBND TPHCM sẽ không bỏ dân.