Gia tăng trẻ bị chó cắn thương tích nặng

TP - Trong các tuần đầu tháng 8 vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM liên tục tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp trẻ bị chó cắn… Đa số đều không được xử trí cần thiết trên vết thương trước khi nhập viện.
Một ca trẻ bị chó cắn gây tổn thương nặng vùng mặt điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM. Ảnh: V.Đ

Ca mới nhất nhập viện chiều 11/8 là bé trai T.L.T.T. (13 tháng tuổi, ngụ thị xã Dĩ An, Bình Dương) bị một vết cắn dài bên dưới tai phải. Vết thương sâu làm lộ cả tuyến mang tai, kèm rất nhiều vết cào xước trên vùng mặt, cổ.

Theo người nhà, vào chiều cùng ngày, bé T. lấy cây chọc chú chó nhà nuôi đang nằm ngủ và bị chó cắn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa răng hàm mặt và phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, nếu tính cả bé T., trong tháng đã có 4 ca vào viện vì bị chó cắn. “Trung bình mỗi năm có trên dưới 30 ca tương tự vào khoa”, bác sĩ Đẩu nói.

Có ca khá nặng như trường hợp bé gái 7 tuổi ở huyện Hóc Môn bị cắn mất gần hết một bên má. Các bác sĩ rất vất vả mới có thể xoay chuyển da thịt ở vùng khác đắp vào. Nhưng em vẫn phải chịu di chứng nặng, vết thương kéo trễ mắt xuống, kéo miệng méo lên trên, phải can thiệp thẩm mỹ nhiều lần. Hoặc ca ở Bình Phước, cũng một bé gái (9 tuổi) bị chó hàng xóm nuôi cắn, day đứt toàn bộ môi dưới. Người nhà phải chạy theo đoạt lại phần môi từ miệng con chó hung hãn rồi mang vào bệnh viện để bác sĩ khâu lại cho em.

Theo bác sĩ Đẩu, người lớn thường bị cắn vào tay, chân, mông thì trẻ nhỏ lại hay bị chó cắn vào vùng mặt do chiều cao hạn chế.

Một trong những điều khiến di chứng thêm nặng nề là cách xử trí vết thương lúc mới bị chó cắn. Theo bác sĩ Đẩu, khi trẻ bị chó cắn, việc đầu tiên là phải rửa vết thương bằng nước sạch, xà phòng để loại đi tối đa vết bẩn, vi sinh còn bám trên bề mặt vết thương. Sau đó, mang ngay trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Điều hết sức quan trọng tiếp theo là phải chích ngừa bệnh dại cho trẻ. Tuy nhiên, ngoài vết cắn, móng vuốt của chó còn cào xé gây nhiều vết trầy xước khác, nên cần chích luôn các mũi phòng bệnh uốn ván, bởi răng, móng chó rất bẩn.

Bác sĩ Đẩu khuyên nếu nhà có trẻ con nên hạn chế nuôi chó. Nếu nuôi cần chích ngừa cho chó. Hạn chế để trẻ tiếp xúc với chó. Đặc biệt, chó sẽ phản ứng rất mãnh liệt với các tác động khi nó đang ăn, ngủ, hay sau khi đẻ. Khi dẫn chó hoặc thả chó ra đường, phải bịt rọ vào mõm chó.