Ngày 25-9, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72) Công an TP Đà Nẵng trục xuất 9 người Trung Quốc thu gom nội tạng trái phép trên địa bàn.
Nhóm đối tượng này nhập cảnh Việt Nam với visa du lịch hơn 2 năm nay, thường xuyên hoạt động tại các tỉnh miền Trung nhằm thu gom nội tạng.
Ngày 14-7, nhóm người này đến Đà Nẵng, thuê nhà nghỉ Cỏ Mây gần các lò mổ gia súc, gia cầm lớn. Trong vòng 3 ngày, nhóm người này thu gom 500kg nội tạng và bị phát hiện.
Theo khai nhận của các đối tượng, ước tính mỗi tháng có đến 5 tấn nội tạng được thu gom và tuồn về Trung Quốc nhằm chế biến thành món ăn đặc sản ở đây.
Tuy nhiên, Trung tá Huỳnh Kim Kỳ, Đội trưởng Đội Tham mưu - Tổng hợp (PA27), nhận định, lời khai nhằm làm giảm hình thức xử lý, rất có thể số nội tạng lại được chế biến và tuồn ngay ra thị trường Việt Nam.
Trước đó, ngày 11-9, Công an quận Sơn Trà (Đà Nẵng) phát hiện 2 người Trung Quốc bán hàng dạo trên địa bàn nên lập biên bản xử lý.
Theo thống kê của PA27, riêng tháng 8 có cả chục người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, nhập cảnh rồi hoạt động trái phép.
Sáng 27-8, hai đối tượng giả dạng người tu hành để khất thực là Peng Yurui và He Dechao (cùng 60 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) bị PA27, công an Hải Châu ngăn chặn.
Hai người này 4 lần xin visa thương mại nhập cảnh vào Việt Nam, do Cty CP Xúc tiến thương mại và du lịch Việt Nam làm dịch vụ mời bảo lãnh, nhưng lại để ăn xin.
Chiều 7-8, tại DNTN Taran (số nhà 45 Điện Biên Phủ, Đà Nẵng), lực lượng PA72 cùng Công an quận Thanh Khê phát hiện gần 20 sinh viên cày game online do 4 người Hàn Quốc thuê trái phép.
Để qua mặt cơ quan chức năng, ông Kang Buseok (quốc tịch Hàn Quốc, nhập cảnh vào Việt Nam để du lịch) thuê Nguyễn Minh Nhật (24 tuổi, trú phường Chính Gián) đứng tên đăng ký thành lập Taran và hoạt động trái phép từ cuối năm 2011.
Đầu tháng 8, ba người Malaysia là Chong Kon Hoi (47 tuổi), Ling Seng Koey (23 tuổi) và Wong Kar Wei (30 tuổi) đang dùng thẻ tín dụng giả lừa đảo tại cửa hàng Thế giới kim cương (quận Hải Châu) thì bị lực lượng chức năng phối hợp quần chúng bắt giữ. Sáu vụ lừa đảo trót lọt trước đó tại Việt Nam liên quan số tiền hơn 130 triệu đồng.
Nhiều kẽ hở
Theo thống kê từ PA27 những tháng đầu năm 2012, Đà Nẵng có 65.000 người nước ngoài đến du lịch, lưu trú, hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Chiếm tỷ lệ lớn là người quốc tịch Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Gần đây, tình trạng người nước ngoài hoạt động trái phép, phạm tội diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn.
Trung tá Kỳ cho rằng: nguyên nhân là kinh tế thế giới khủng hoảng, một số địa phương, cơ quan chức năng buông lỏng quản lý.
“Hình thức, hành vi của 9 người Trung Quốc khá bất thường, dễ nhận biết, quần chúng báo tin và Đà Nẵng kịp phát hiện sau 3 ngày hoạt động. Nhưng ở các địa phương khác, các đối tượng này lại có thể thoải mái hoạt động đến 2 năm”, Trung tá Kỳ nói.
Thượng tá Trần Mưu, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng, nhận định, việc đấu tranh với tội phạm ngoại quốc không dễ do bất đồng ngôn ngữ, rào cản quốc tế.
Để che đậy hành vi, các đối tượng này cho tiền nhân viên, chủ nhà nghỉ, khách sạn để không ghi tên vào sổ quản lý, khiến cơ quan chức năng khó theo dõi.
Lãnh đạo PA27 cho hay, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong quan hệ ngoại qiao của Việt Nam, tội phạm ngoại quốc thông qua hình thức bảo lãnh từ các sứ quán, Cty du lịch để vào Việt Nam dưới hình thức du lịch, nhưng thực chất kinh doanh trái phép, trá hình.
Bên cạnh đó, phải kể đến sự tiếp tay của một số người Việt Nam, giúp họ mở, đứng tên công ty để kiếm lợi bất chính. Công an TP Đà Nẵng vừa chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn.
“Chúng tôi kiên quyết xử lý, từ phạt hành chính đến đề xuất các biện pháp rút ngắn thời hạn tạm trú, buộc xuất cảnh trước thời hạn những đối người nước ngoài phạm pháp. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đề xuất cấm nhập cảnh vào Việt Nam”, Trung tá Kỳ nói.