Gia Lai bảo vệ di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá thế nào?

TPO - Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết, từ các cổ vật ở di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá có thể khẳng định, Việt Nam có bề dày lịch sử rất lớn. Đây là giá trị lớn cho nhân loại, quốc gia. Hiện địa phương đã có phương án bảo vệ, đồng thời đề xuất hướng bảo tồn nguyên vẹn, nhất là các vấn đề hiện nay chưa nghiên cứu được.
Công cụ ghè một mặt ở di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết, di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt; bộ rìu tay được công nhận là Bảo vật quốc gia.

“Không chỉ tìm thấy ở di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá một hoặc một vài cổ vật, mà hơn 8 nghìn hiện vật đá cũ. Có công cụ tái thiết kế lại, có công cụ đang làm thì dừng lại, cho thấy đã xảy ra chuyện gì đó tại đây. Điều này minh chứng nơi đây từng là đại công trường về chế tác đá cũ. Có thể khẳng định, Việt Nam có bề dày lịch sử rất lớn. Đây là giá trị rất lớn cho nhân loại, quốc gia. An Khê đã đề xuất phải được bảo tồn nguyên vẹn, nhất là vấn đề hiện nay chưa nghiên cứu được”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nói.

Cũng về hướng bảo vệ di tích, bà Lịch khẳng định, đối với các vị trí đã được khoanh vùng công nhận, sẽ không cho xây các công trình mà tác động, ảnh hưởng đến di tích, chỉ cho canh tác nông nghiệp đơn thuần.

Đồng thời, bà Lịch cho biết, đang kêu gọi các tổ chức nước ngoài có điều kiện tiếp tục đến nghiên cứu sâu rộng hơn; tổng hợp nhiều ngành hơn nữa với di tích, bởi hiện nay mới chỉ đang ở khảo cổ học, còn phải nghiên cứu về địa chất, lịch sử để chúng ta có tổng thể các câu trả lời chủ nhân của di tích là những ai. Gắn với đó địa phương sẽ có chiến lược khảo cổ học cộng đồng, chọn lọc đối tượng là các sinh viên khảo cổ hoặc các nhà nghiên cứu về khảo cổ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chương trình này mang tính đại chúng cho người dân hiểu, lan toả rộng rãi giá trị của di tích để chung tay bảo vệ, phát huy và thụ hưởng; tuyên truyền đến người dân cách bảo vệ, canh tác để không ảnh hưởng đến di tích.

"Phát triển du lịch đối với lĩnh vực này cần có kiến thức, sự quan tâm sâu với đá cũ. Bởi vậy cần sự chọn lọc các nhà khoa học, sinh viên nghiên cứu đá cũ trên thế giới quan tâm. Vừa tạo điều kiện cho người ta trong du lịch cũng như nghiên cứu tại chỗ. Tỉnh kêu gọi các tổ chức có năng lực chuyên môn nghiên cứu sâu từ các Quốc gia tiếp tục quan tâm, sớm có câu trả lời toàn diện về lịch sử loài người ở Việt Nam", bà Lịch nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì cuộc họp công bố thông tin về di tích khảo cổ Rộc Tưng - Gò Đá.

Giữa năm 2014 trong một chuyến điều tra khảo sát, thăm dò, đến phường An Bình (thị xã An Khê), PGS.TS Nguyễn Khắc Sử (nguyên Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Khảo cổ học Việt Nam) thấy người dân xúc đất bằng máy ủi, ông đã đến tận nơi đang đào đất thấy những công cụ cổ xưa của loài người. Vài tháng sau, các di tích được thẩm định và đưa vào chương trình hợp tác quốc tế Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện Khảo cổ- Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Liên bang Nga.

Di tích Gò Đá ở phường An Bình (thị xã An Khê) lộ ra bên bờ phải và cách sông Ba tầm 1,5km. Trong các lớp khai quật đã tìm thấy 58 hiện vật đá như mũi nhọn, nạo, hòn ghè... Còn các di tích Rộc Tưng ở xã Xuân An (thị xã An Khê) được phân bố trên các gò lượn sóng, xung quanh là các bồn địa khe suối ven bờ sông Ba.