Trao đổi với Tiền Phong vào sáng 11/5, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ-Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Huyện cho biết, chưa nhận được văn bản từ UBND tỉnh TT-Huế xin ý kiến về việc cấp phép vận chuyển 3 cây đa “khủng” hiện mắc kẹt tại tỉnh này.
Trước đó, trao đổi với báo chí vào chiều 10/5, ông Lê Công Diễn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh TT-Huế, cho biết: Tỉnh đang chờ ý kiến của Tổng cục Đường bộ về việc cấp phép vận chuyển 3 cây đa “khủng” hiện mắc kẹt tại tỉnh này, do việc tiếp tục cắt gọt hạ tải các cây này để bảo đảm điều kiện lưu thông bằng đường bộ ra Bắc là bất khả thi.
Theo ông Lê Công Diễn, Sở GTVT TT-Huế từng tiếp nhận hồ sơ của một doanh nghiệp vận tải xin cấp giấy phép vận chuyển 3 cây đa “khủng” ra Hà Nội. Tuy nhiên, hồ sơ này lại không kèm bất kỳ phương án nào về bảo đảm an toàn vận chuyển cây “khủng”. Do đó, cơ quan này đã không cấp phép.
“Đoạn đường từ tuyến Quốc lộ 1 nơi có 3 cây cổ thụ được trồng tạm để đi ra Hà Nội có 6 cây cầu yếu. Trong đó, địa phận TT-Huế có 2 cầu yếu, Hà Tĩnh 2 cầu, 2 cầu còn lại ở Thanh Hóa. Qua tính toán, tổng trọng lượng của mỗi xe tải chở theo một cây đa sộp là 48 tấn. Trong khi, khả năng chịu tải kịch trần của mỗi cây cầu yếu chỉ khoảng 36 tấn. Vì vậy, các cầu trên không đủ điều kiện để các xe chở cây chạy qua”, ông Diễn phân tích.
Qua tính toán, tổng trọng lượng của mỗi xe tải chở theo một cây đa sộp như thế này là 48 tấn. Trong khi, khả năng chịu tải kịch trần của mỗi cây cầu yếu chỉ khoảng 36 tấn. Vì vậy, các cầu trên không đủ điều kiện để các xe chở cây chạy qua, nên phải tìm phương án vận chuyển khác bảo đảm an toàn
Chưa hết, khi đề cập đến vấn đề hạ tải để bảo đảm điều kiện vận chuyển, ông Diễn còn cho biết: “Chúng tôi đã trao đổi, xem xét thực tế có thể cắt gọt các cây đa cổ thụ này thêm nữa hay không. Tuy nhiên, trên thực tế, thì dù có cưa cắt thêm cũng không giảm được đáng kể trọng lượng của cây (kèm theo trọng lượng xe), nên phương án hạ tải là bất khả thi”.
Ông Diễn cũng cho rằng, nếu Sở GTVT TT-Huế có cấp giấy phép vận chuyển cho 3 cây đa đi ra Hà Nội, thì các xe chở cây “khủng” phải đi qua cầu yếu tại nhiều tỉnh, nơi mà hạ tầng giao thông không thuộc giám sát, quản lý của Sở này, nên Sở không có cơ sở để giám sát, theo dõi xe tải chạy qua cầu yếu ở tỉnh khác.
“Sở GTVT TT-Huế chỉ có thể chịu trách nhiệm giám sát chở cây chạy qua 2 cầu yếu thuộc địa bàn tỉnh này. Vì vậy, Sở đã tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT cấp giấy phép vận chuyển và chỉ đạo các sở GTVT ở các địa phương có cầu yếu tổ chức giám sát, theo dõi khi xe chạy qua tỉnh mình”, ông Diễn giải thích.
Nói về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ-Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Huyện ngày 11/5 cho biết: "Trước tiên phải xác minh rõ nguồn gốc 3 cây đa đó có hợp pháp hay không. Nếu nguồn gốc hợp pháp, thì việc vận chuyển các cây này không quá khó".
Theo ông Huyện, do cây quá khổ nên khi vận chuyển phải có lực lượng chức năng dẫn đường.
"Các cầu yếu đều có biển tải trọng. Thế nên để vận chuyện cây "khủng", có thể dùng phương án gia cố tạm thời cầu. Tuy nhiên, việc vận chuyển phải dùng xe siêu trường, siêu trọng để giảm tải các bánh xe, không thể dùng xe tải thông thường như trường hợp Formosa Hà Tĩnh từng dùng xe mười mấy trục để chuyển máy móc từ cảng vào nhà máy", ông Huyện cho biết.
Về việc cấp phép vận chuyển cây "khủng", ông Huyện cho rằng, địa phương hoặc Tổng cục Đường bộ đều có thể cấp phép. "Quan trọng là phương án vận chuyển phải rõ ràng, khả thi", ông Huyện nói.
Như Tiền Phong đã đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh liên quan đến phương tiện chở cây xanh quá khổ, quá tải lưu thông trên đường bộ tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ GTVT trực tiếp chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến các thông tin mà báo chí phản ánh như trên, có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm (nếu có). UBND tỉnh TT-Huế chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan có biện pháp giải quyết dứt điểm trước ngày 7/5/2018 đối với 3 cây cổ thụ đang được trồng tạm trên địa bàn, tránh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Trước đó, Tiền Phong từng thông tin, trong khi chưa xin được giấy phép vận chuyển phù hợp và lo ngại cả 3 cổ thụ "khủng" khai thác từ Đắk Lắk hiện “mắc kẹt” tại TT-Huế bị chết do phơi nắng qua nhiều tuần, ngày 22/4, chủ cây Kiều Văn Chương quyết định cho tạm trồng số cây “khủng” kể trên tại một bãi trống ven Quốc lộ 1 nhánh tránh thành phố Huế.