Gặp nhà thơ khiếm thính “cuồng” Hà Nội

TP - Có dịp trò chuyện với nhà thơ Từ Hồng Sơn khi anh ra tập thơ đầu tay Hà Nội mùa thổ phách nhưng là qua e-mail. Đối mặt anh nhân dịp Hà Nội mùa mộc phách phát hành, mới thấy chuyện trò với anh vừa khó vừa dễ. Khó là lẽ đương nhiên vì Sơn khiếm thính từ nhỏ, anh học nói và nghe theo khẩu hình người khác. Khi nào bí quá thì dùng giấy bút…
Nhà thơ chuyên viết về Hà Nội Từ Hồng Sơn. Ảnh: N.M.Hà.

Ấy thế mà trong suốt những năm học phổ thông, Sơn chưa từng bị lưu ban hay thi lại, trừ khi lên cấp III, đề thi tiếng Anh có phần đọc chính tả. Mà Sơn thì không được học nói theo khẩu hình thứ tiếng nào khác ngoài tiếng Việt. Với tính cởi mở, chân thành, hình như càng bị cản trở về giao tiếp, anh càng muốn chia sẻ nhiều hơn. “Moi” chuyện của Sơn dễ là vì thế. Nhưng không phải chuyện nào cũng có thể kể. Nghệ sĩ vốn đa cảm nhưng thể hiện bản thân lại bị hạn chế. Đủ biết đường đời của Sơn đã gập ghềnh lại càng thêm khúc khuỷu.

Tất nhiên anh không gặp khó khăn gì khi chia sẻ bằng thơ. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng thơ Sơn có khả năng lạ hóa Hà thành nghìn năm tuổi: “Có thể ta đã mòn nhẵn cái nhìn phố phường hàng ngày, chợt đọc thơ (Sơn) mà gột rửa được sự mòn chán ấy…”. Từ tập một ban đầu định đặt tên là Hà Nội mùa cúng đất (bắt nguồn từ phong tục hàng năm của nhà nông), Từ Hồng Sơn nâng cấp thành “thổ phách”. Tới nay anh đã phát triển thành ý tưởng ngũ hành hóa Hà Nội. Tập ba Hà Nội mùa kim phách sẽ trình làng tháng 12 tới. Hiện Sơn đang viết Hỏa phách. Với cắt nghĩa Hà Nội là mảnh đất trong sông nên Thủy phách sẽ là tập thơ khép trọn bộ. Mỗi tập gồm khoảng 50 bài. Cuốn văn xuôi Sơn đang viết song song với tập ba tất nhiên cũng về Hà Nội. Nó giống như một cuốn hồi ký về tuổi thơ của Sơn ở khu tập thể 63 Lý Nam Đế mà anh hy vọng sẽ trở thành Quân khu Nam Đồng cho bạn đọc nhỏ tuổi.

13 năm ở Hà Nội với Sơn là chưa đủ. Cho nên anh viết: “Ấu thơ hữu hạn, giờ mới hiểu/Hà Nội sơ thì lén trốn ta”. Dĩ nhiên một kẻ si tình quê hương như Sơn không dễ để đối tượng trốn thoát dễ như vậy.

Anh chia thơ Hà Nội thành nhiều tập cũng là để có thêm lý do để về quê. Mỗi lần ra Hà Nội, Sơn ăn nằm ở dề 2-3 tuần. Dù tá túc ở làng sinh viên tít quận Thanh Xuân nhưng ngày nào cũng thấy anh có mặt ở phố Hàng. Có nghĩa hằng ngày, anh đi bộ ít nhất hơn chục cây số, mà anh gọi là đi “điền dã”- đi để nghiên cứu, để nhâm nhi Hà Nội. Cứ loanh quanh trong phố cổ, khi nào tắt nắng mới ra về. Sơn cho hay vẫn phải tiếp tục tìm hiểu về Hà Nội để trường vốn làm thơ. Mấy hôm trước anh suýt bị công an bắt. Chả là đang đi trên một phố Hàng thấy tòa biệt thự kiểu Pháp đẹp, trổ nhiều hoa văn kỳ công, mà lại bị phá mất một nửa để xây mới. Vừa thích vừa tiếc, Sơn cứ đi quanh căn nhà, săm soi ngó nghiêng, lại lôi điện thoại ra chụp đủ các góc. Chủ nhà chẳng hiểu gì, mới gọi công an…

Sơn thoạt tiên mang họ Tạ của mẹ. Họ Từ hóa ra là của bố dượng. Sơn muốn giữ họ của ông ngoại nhưng khi đó “thấp cổ bé họng”, mới lên lớp 6 phản đối không lại, đâm ra đến giờ anh vẫn ấm ức vì đã bị lấy đi ba thứ liên quan đến Hà Nội: họ, hộ khẩu và nhà. Căn nhà ở Lý Nam Đế gia đình Sơn đã bán cho người khác. Có phải vì thế mà Sơn viết: “Nắm tay Hà Nội đòi nũng nà nũng nịu/Trả một thời nguyên vẹn với hàng Em”. Hai cái họ của Sơn ghép lại thành “tạ từ” cứ như chọc tức anh chàng yêu quê mà không được ở. Nhưng thực ra, cái Sơn muốn có được chính là món quà anh trao cho người khác. Vì trong thơ Sơn, tinh thần Hà Nội một thời vẫn được bảo toàn với thái độ nâng niu chân thành nhất.

Tình yêu từ khi sinh ra Sơn đã dành cho Hà Nội, đâm ra Sài Gòn anh sống lâu năm hơn vẫn chỉ là nơi tạm trú. Nhưng ít ai biết quê nội của Sơn lại ở tít đất nước Triệu Voi. Bố mẹ anh quen nhau khi cả hai sang Liên Xô cũ du học. Bố Sơn học lái máy bay quân sự, khi trở lại Lào đã bị mất liên lạc với vợ con. Ông ngoại của Sơn (nguyên Đại tá quân chủng pháo binh) sang tận Lào tìm con rể thì được biết anh đã giải ngũ. Được quân đội Lào cung cấp địa chỉ, ông về tận quê tìm. Thông tin cuối cùng về bố Sơn chỉ là “đã xuất cảnh”, nghĩa là cũng không còn ở Lào nữa.