Gặp lại Bob Kerrey

TP - Hơn 14 năm sau lần gặp ở New York, lại nghe dân chúng luận bàn quanh người Mỹ nổi tiếng Bob Kerrey với vai trò mới ở Đại học Fulbright.
Lãnh đạo Đại học Fulbright Bob Kerrey đang khiến một bộ phận người Việt phân hóa quanh vị trí nhạy cảm của ông.

Wayne Karlin và những linh hồn phiêu dạt

Trước khi nói đến “người cũ” Bob Kerrey, kể một chút về buổi tối 31/5 vừa qua ở Hà Nội của người Mỹ khác.

Tối đó tại cafe Tadioto 24 Tông Đản có cuộc giao lưu với bạn đọc của nhà văn Mỹ Wayne Karlin. Ai quan tâm giao lưu văn học Việt-Mỹ đều biết Wayne. Ông từng hợp tác với nhà văn Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê làm những hợp tuyển văn học Việt- Mỹ chất lượng.

Cuộc hôm đó ông nói về cuốn Những linh hồn phiêu dạt của mình, dịch ra tiếng Việt năm 2010, in báo Tiền Phong chục kỳ trước khi sách ra. Một cuốn sách rất hay, như lời phi lộ, là hành trình của tác giả cùng những người đang sống và đã khuất ở Việt Nam.

Câu chuyện thật mà Wayne kể trong hơn 500 trang sách vô cùng độc đáo. Ly kỳ hơn Nhật ký Đặng Thùy Trâm.

Năm 1969 giữa rừng Pleiku, quân y sĩ Hoàng Ngọc Đảm bất ngờ đụng độ thiếu úy Mỹ Homer Steedly. Cả hai giương súng và Homer nhanh hơn. Anh Đảm ngã xuống. Homer nhặt cuốn sô ghi chép công việc và kiến thức cứu thương, cả đỡ đẻ ở chiến trường, cùng giấy tờ tùy thân của anh Đảm gửi về Mỹ nhờ mẹ cất hộ.

Mấy chục năm, hội chứng chiến tranh khiến Homer khốn đốn. Cuối cùng, ông tìm đến Wayne nhờ giao lại kỷ vật cho gia đình anh Đảm ở Thái Bình.

Wayne đã sang Việt Nam 7 lần, có những người bạn thân thiết ở đây. Buổi tối vừa rồi, đạo diễn Trần Văn Thủy kể “Wayne từng nói nếu gặp ở chiến trường thể nào anh ấy cũng bắn chết tôi vì là thợ máy trên trực thăng, anh ấy được lệnh bắn vào bất cứ vật gì di động dưới đất. Thế mà bây giờ chúng tôi thương nhau, lo lắng cho nhau”.

Khi Wayne kể với Lê Minh Khuê về ý định lần thứ hai đến Thái Giang, Thái Bình để gặp gia đình anh Đảm, lần này có cả Homer, chị Khuê can “Gặp làm gì, đã tự tay giết người ta”.

Năm 2005, Wayne thay mặt Homer trao kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm. Ba năm sau, Homer và Wayne cùng gia đình anh lặn lội Tây Nguyên lần lại dấu vết người chiến sĩ bị bắn năm xưa và đưa được hài cốt của anh về. Cả làng chít khăn tang khóc như mưa đón anh. Trong đám tang đó, Homer được mời ném những hòn đất đầu tiên xuống mộ anh. Khệ nệ bê mâm đồ cúng đặt lên bàn thờ.

Dân Thái Giang giờ đây coi Homer là một phần của họ, thế mới lạ. Trong sách của Wayne Karlin, họ nói họ thông cảm với Homer, ông cứ đến đây và không cần lo lắng. Một người trong số họ nói thay những người khác rằng “Trong chiến tranh mọi thứ có khi chỉ xảy ra trong chớp mắt, sau đó dù rất ân hận người ta cũng không làm gì được nữa”.

Nhà văn Mỹ Wayne Karlin (trái) giao lưu với bạn đọc hôm 31/5. Cạnh ông là nữ độc giả trẻ khóc bộc lộ tâm tư về cuốn sách và chiến tranh. Ảnh: Thu Hà.

Bob Kerrey, gặp lại sau 14 năm

Đầu năm 2002, Bộ Ngoại giao Mỹ mời đoàn nhà báo nhà văn Việt Nam tham quan nước Mỹ một tháng trong chương trình “Cái nhìn của người cầm bút đương đại đối với các vấn đề xã hội Mỹ”. Chúng tôi đến nhiều trường đại học 5 bang, một trong số chương trình ở New York là thăm Viện đại học New School.

Hai hôm liền, chúng tôi được Tiến sĩ Carol Wilder, một phụ nữ dễ chịu đưa đi tham quan những nơi cần thiết. Người phụ nữ này, chưa chia tay đã rơm rớm “Tôi yêu Việt Nam”. Bất ngờ, đến một lúc bà thông báo sếp mình, Viện trưởng Viện Đại học New School sẽ tiếp chúng tôi. Chính là Bob Kerrey.

Trong ánh sáng mờ của quán cà phê 24 Tông Đản, Wayne Karlin đọc một trang sách, ngừng một lát và nói “Khi một người phải giết người khác mà không có lý do, khi người kia không đáng chết, họ cảm thấy đã giết một phần con người mình”.

Vừa mấy tháng trước đó, tên Bob Kerrey tràn ngập báo chí Việt- Mỹ. Cuộc điều tra của báo Mỹ, qua tài liệu của Hải quân Mỹ cho thấy Bob Kerrey đã nói dối suốt 32 năm để nhận huân chương Ngôi sao Đồng của Chính phủ vì thành tích tiêu diệt hơn 2 chục Việt cộng. Hóa ra chẳng có Việt cộng nào mà toàn ông già bà cả, phụ nữ, trẻ em.

Tháng 6 này, xem trên mạng thấy có bức ảnh đoạn ống cống nơi ba đứa trẻ Thạnh Phong ẩn náu khi ông bà chúng bị đội biệt kích của Bob Kerrey cắt cổ. Ba đứa bị sát hại ngay sau đó, có đứa bị mổ bụng. Đoạn ống cống này hiện đặt tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, TPHCM.

Bị truy vấn, Bob Kerrey mới đầu thú nhận trực tiếp gây ra cuộc thảm sát, sau đó lại chối, nói các nhân chứng đồng ngũ cũ không đáng tin cậy. Là cựu Thượng nghị sĩ và từng chạy đua chức Tổng thống Mỹ, nay với vụ bê bối, “người hùng của nước Mỹ” bị sinh viên đòi từ chức, bỏ phiếu bất tín nhiệm. Một người bạn lâu năm kết tội ông nặng nề, tuyên bố sẵn sàng làm luật sư miễn phí cho dân Thạnh Phong đòi công bằng. Nhiều nhà báo Mỹ đổ về Thạnh Phong viết bài.

Đó là những chuyện tôi được đọc và nghe ở Mỹ hồi đó. Còn trong cuộc gặp, người tổ chức - hai người Mỹ gốc Việt đề nghị chúng tôi không hỏi những câu nhạy cảm bởi Kerrey mới về trường này một năm, mà New School vốn thiện chí với Việt Nam, giống UMASS (ĐH Tổng hợp Massachusetts). Giờ ông ấy là chủ nhà, nhận lời tiếp nhưng chưa chắc vui lòng trả lời chất vấn, cú sốc năm ngoái đủ cho ông rồi.

14 năm trôi qua, bình thường thì không bao giờ nhớ ra, giờ lại hồi tưởng dễ dàng. Được thông báo là người đẹp trai, cựu Thượng nghị sĩ hiện ra với khuôn mặt hơi lõm, đường nét mỏng mảnh. Khi cười càng lõm hơn, vẻ quyết liệt. Lập tức ông nắm thế chủ động, chỉ muốn hỏi hơn là đáp. Có lúc một người trong đoàn hỏi sao không tranh cử nữa, ông đáp 12 năm Thượng viện là quá đủ, được mời vào Viện đại học này tôi thấy là công việc rất hay. (Chứ không phải đổi việc vì bê bối?). 

Rồi giơ tấm ảnh đứa trẻ bé xíu lên khoe, trình ra vẻ mặt của người cha hạnh phúc: “Lý do thứ hai là đây, một người già mà có được đứa con nhỏ. Làm Thượng nghị sĩ sẽ không có thời gian cho gia đình”. Ai đó trong đoàn tặng ông bức tranh thêu cảnh đồng quê Việt Nam. Ông tạo được vẻ chăm chú cần thiết khi đón nhận và hỏi “Cảnh này là đâu vậy. Bức này làm bằng tay thật ư”.

Đoàn chúng tôi hồi đó 11 người thì 9 nhà văn, chỉ có hai nhà báo là tôi và Đỗ Quang Hạnh, Trưởng ban Văn nghệ báo Lao Động. Việc người tổ chức dặn không hỏi xoáy có vẻ không cần thiết, thậm chí một số nhà văn còn hớn hở được chụp ảnh với ngài Bob.

Vài hôm nay, với sự càn lướt của mạng xã hội, tên của người nổi tiếng này tràn ngập các diễn đàn. Năm 2002 trong loạt bài đi Mỹ, tôi từng viết đoạn nhỏ về cuộc gặp này, và đoán bê bối Thạnh Phong của Bob Kerrey rồi nhanh chóng chìm vào dĩ vãng thôi. Không ngờ sau 15 năm, thông tin, ký ức lại ập đến dội về làm phân hóa cả xã hội Việt Nam. Như một vết thương chói đỏ! Quanh chuyện nên hay không để Bob Kerrey an tọa chức Chủ tịch Hội đồng Tín thác Đại học Fulbright Việt Nam. Một trường đầu bảng, là đại học khai phóng, biểu tượng bang giao giáo dục Việt-Mỹ.

Lựa chọn

Buổi tối 31/5 ở cà phê Tông Đản trên kia, trong số cử tọa có một người gương mặt u buồn, hóa ra là cựu binh Mỹ Chuck Searcy, nhiều năm nay sống ở Việt Nam, nổi tiếng với các dự án rà phá bom mìn. Bây giờ, trước vấn đề của Fulbright, được biết quan điểm của Chuck là: “Kerrey phải rút khỏi vị trí này. Câu hỏi duy nhất là liệu ông ta có thể rút lui với sự tự trọng, thể hiện sự hiểu biết và cảm thông với người Việt Nam hay là chúng ta phải chịu những khoảnh khắc khó xử nữa của sự chối bỏ, ngạo mạn từ phía những người Mỹ chúng tôi”.

Chuyến thăm của Tổng thống Obama vừa qua, tôi thích câu hỏi của bạn trẻ Sài Gòn dành cho ông, về tuổi trẻ ham chơi, hút bồ đà của Obama, làm thế nào người như vậy lại thành người hôm nay. Tôi thích cung cách “đuổi không đi” của hai phóng viên Tiền Phong ở quán bún chả Lê Văn Hưu. (Sớm biết tin Tổng thống sẽ dùng bữa ở đây nên họ lọt vào quán phục sẵn, bị an ninh Việt-Mỹ đuổi quầy quậy nhưng họ kiếm cớ là thực khách ăn dở, kiên quyết không đi! Và có bài độc quyền Ăn bún chả cùng Tổng thống Obama). 

Tôi thích cách mà chị Hiền chủ quán Cơm Phố 29 Lê Văn Hưu chăm chút từ lọ hoa sen đẹp để đón đoàn nhà báo Mỹ (tháp tùng Tổng thống) đến ăn cơm. Tôi thấy chiếc áo dài nhà thiết kế Sĩ Hoàng may tặng phu nhân Tổng thống (theo đặt hàng của UBND thành phố HCM) khá ổn. Đợt đó mọi người mải hút theo yếu nhân Obama mà quên yếu nhân khác - Ngoại trưởng John Kerry đang đi dạo Bờ Hồ. Nói chung tôi thích khoảnh khắc bình yên của những người Mỹ và người Việt Nam những ngày thượng tuần tháng Năm. Nhưng với vụ Bob Kerrey, tôi chắc ông thừa thông minh để có quyết định tốt nhất cho chính ông.

Sự tàn bạo trớ trêu của chiến tranh, cũng đến như Homer - Hoàng Ngọc Đảm  là cùng. Giáp lá cà, giết nhau trong ánh chớp số phận, rồi gặp trao kỷ vật cho thân nhân nạn nhân. Đương nhiên người ta biết rằng nhiều người Mỹ đến Việt Nam gây đau thương chỉ vì phục tùng chỉ huy. Rất nhiều người trong số họ đã sám hối sâu sắc, không chờ đến lúc có người phanh phui những bí mật chôn kín. Ngày trở lại, họ làm mọi việc có thể, khiêm nhường như giáo viên Anh ngữ, hoặc như Wayne Karlin bắc nhịp cầu văn học, và viết chân thực, quá hay về đồng đội cũng như cựu thù. Hoặc làm việc đại sự như John Mc Cain, John Kerry. Gia đình liệt sĩ Đảm còn có thể đối diện Homer trong sự thanh thản, điều quá sức tưởng tượng, nữa là những chuyện đau lòng khác. Nhưng câu chuyện Bob Kerrey đặc biệt hơn.