Đường sắt đội giá hơn 300 triệu USD, 31/5 phải làm sạch mặt bằng

TP - Nhằm tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng của Dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh- Hà Đông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có cuộc họp khẩn với Bộ GTVT và sở ngành, quận huyện.

Theo nội dung cuộc họp này, hiện Dự án đường ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông còn vướng 1,5 ha trên tổng số 39,5 ha mặt bằng của dự án chưa giải phóng xong. Các diện tích này nằm ở các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông. 

Việc chậm mặt bằng khiến một số hạng mục của dự án chưa đảm bảo theo tiến độ của Chính phủ, đặc biệt là công trình nhà của gần 10 hộ dân ở ga đầu tuyến Cát Linh (quận Đống Đa), 16 ngôi mộ trên đường dẫn vào khu đề-pô phường Phú Lương (quận Hà Đông), đường điện 110KV trên phố Hoàng Cầu thuộc Sở Xây dựng… 

Để dự án không bị chậm trễ do vướng mặt bằng, ông Thảo yêu cầu các Sở Xây dựng, các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông tích cực hơn trong việc thực hiện chỉ đạo của TP, chậm nhất 31/5 mặt bằng của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải được giải phóng xong.

Để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các sở ngành, quận huyện trong việc để dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông chậm mặt bằng, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa ký văn bản số 3107 nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải về việc điều chỉnh Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, UBND TP yêu cầu các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông và Sở Xây dựng khẩn trương, tập trung chỉ đạo thực hiện công tác GPMB, di chuyển công trình ngầm nổi trong phạm vi dự án theo chỉ đạo của TP.

“Giao Ban chỉ đạo GPMB thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, làm rõ nguyên nhân trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác GPMB, di chuyển các công trình ngầm, nổi thuộc phạm vi dự án, báo cáo UBND TP Hà Nội”, ông Khanh yêu cầu.

Ngoài yêu cầu các sở ngành đáp ứng tiến độ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, Ban chỉ đạo GPMB thành phố đề nghị chủ đầu tư - Ban Quản lý dự án Đường sắt, Cục Đường sắt (Bộ GTVT) giải ngân sớm nguồn vốn theo kế hoạch để các quận huyện có kinh phí GPMB. 

Riêng với quận Hà Đông, chủ đầu tư cần làm việc với Kho bạc Nhà nước thành phố để quận đủ điều kiện rút 19,2 tỷ đồng bị chậm trong tổng số 59 tỷ đã được giải ngân.