Đón Tết trên sông
Chúng tôi có mặt ở xóm vạn chài thuộc xã Cổ Đô. Xóm vạn chài này có tên là xóm Tân Tiến, gồm 93 hộ làm nghề chài lưới, trong đó 63 hộ đã có nhà trên cạn, còn 30 hộ vẫn phải đón Tết trên sông.
Từ 25 tháng Chạp, các chủ tàu thuyền đi đánh bắt cá ở khắp nơi đều tập kết về bờ sông giáp thôn Cổ Đô để ăn Tết. Trong số gần trăm chiếc thuyền lớn nhỏ neo đậu ở đây, có những chiếc thuyền bỏ không bởi chủ đã lên bờ ăn Tết.
Muốn ra thăm xóm vạn chài, khách phải gọi to để chủ chèo thuyền vào bờ đón. Chúng tôi tới thuyền của ông Ngô Văn Hưng, một hộ có 4 đời làm nghề chài lưới gia đình ông đang quây quần chuẩn bị ăn bữa tất niên.
Ông Hưng tâm sự: “Chúng tôi coi thuyền như là nhà, việc đón Tết trên sông giờ cũng trở nên bình thường, quen thuộc. Mấy ngày Tết, con cháu, dâu rể cùng hội tụ về đây cho đỡ hiu quạnh. Ăn Tết xong, khoảng mùng 6- 8 tháng Giêng, chúng lại ngược dòng sông để mưu sinh...”.
Nhà của ông Hưng rộng hơn 40m2, trên bàn thờ có đầy đủ hoa tươi, mâm ngũ quả, rượu vang, bánh, mứt… Bên nồi bánh chưng nghi ngút khói, vợ ông Hưng cùng đứa cháu nội đang vớt bánh. Anh Tuấn, con trai ông Hưng chia sẻ: “Tết này, gia đình tôi cùng 3-4 nhà chung nhau mổ con lợn hơn 70 kg, góp phần làm tăng tình đoàn kết giữa dân vạn chài với bà con trên làng”.
Trong buổi tiếp chúng tôi, ông Nguyễn Trung Thành - Chủ tịch UBND xã Cổ Đô khẳng định: “Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo phải đảm bảo ai cũng có Tết, quan tâm, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, cô đơn, không nơi nương tựa. Mỗi khẩu thuộc các trường hợp trên được xã cấp 100 nghìn đồng để động viên bà con, trong đó có một số hộ thuộc xóm Tân Tiến”.
Lên bờ để đổi đời
Trước thực tế khai thác cá tự nhiên trên sông ngày càng khó khăn do ô nhiễm môi trường, do tình trạng đánh cá bằng kích điện... dân vạn chài ở Cổ Đô đang lên phương án đổi đời cho tương lai con cháu.
Theo ông Nguyễn Trung Thành - Chủ tịch UBND xã Cổ Đô, mặc dù có nhà ở trên bờ nhưng cuộc sống mưu sinh của nhiều người dân vạn chài vẫn gắn liền với nghề sông nước. Việc lên bờ là nhằm giúp cho họ thuận tiện trong việc cho con ăn học.
Do hiệu quả đánh bắt cá không được như trước, một số hộ đã chuyển sang làm một số nghề khác như đóng tàu, thuyền chở cát, sỏi, trục vớt, cứu hộ tàu bè mắc cạn thu mua cá…
Ông Lê Văn Núi (74 tuổi), một trong những hộ lên bờ định cư đầu tiên vào những năm 1990 cho biết: “Từ khi lên bờ, cuộc sống của dân vạn chài chúng tôi thay đổi đáng kể. Chúng tôi đa số là không biết chữ, các con tôi cũng chỉ học đến lớp 5, đến nay, cháu tôi đã được học hành tử tế, một số cháu đã có bằng đại học, cao đẳng, con trai tôi được đi du học ở Mỹ”.
Đến xóm vạn chài, chúng tôi còn được nghe câu chuyện cảm động về việc bố mẹ thầy giáo Lê Văn Toán hằng ngày chèo thuyền đưa con vào bờ đi học, để giờ đây xóm Tân Tiến vinh dự có một thầy giáo tâm huyết với nghề, quan tâm đến sự học của dân vạn chài.
Lê Tiến Mạnh (cháu nội của ông Núi) tốt nghiệp Cao đẳng Xây dựng cho biết: “Trước đây, do chưa có nhà trên bờ nên việc học của các cháu thất thường, nay đây, mai đó, không có thời gian đi học. Nay có nhà rồi nên việc đi học của các cháu rất thuận lợi, có điều kiện phát huy khả năng, thay đổi nghề nghiệp của cha ông”. Hiện nay, 100% trẻ em ở xóm vạn chài được đến trường, không còn ai mù chữ.
Sau khi lên bờ, vợ chồng ông Lê Văn Núi và bà Vũ Thị Sen đã định hướng cho các con chuyển sang làm nghề đóng tàu, thuyền. Điều mong muốn của các con ông Núi, ông Hưng cũng như bà con nơi đây là được vay vốn lớn để đầu tư phát triển ngành nghề sông nước, thậm chí là đổi nghề nhằm có cuộc sống bền vững hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, các hộ dân vạn chài gặp không ít khó khăn khi vay vốn, có trường hợp thế chấp 2-3 cái nhà mà chỉ vay được 100 - 200 triệu đồng, trong khi đó để đóng được chiếc tàu chở cát phải mất hơn tỷ đồng.
Anh Ngô Văn Tuấn (30 tuổi) nói: “Tôi mong năm mới được vay vốn để làm ăn. Nghề sông nước rất bấp bênh, rủi ro nên mong Nhà nước quan tâm hơn nữa để dân vạn chài có cuộc sống ổn định, gây dựng tương lai cho các con...”.
Về mong muốn lên bờ của 30 hộ còn lại, lãnh đạo xã Cổ Đô cho biết: “Từ năm 2005 trở về trước, xã có duyệt đất giãn dân cho các hộ. Song đến nay không còn chương trình giãn dân nữa, các hộ phải tự tìm đất ở.
Sắp tới xã sẽ quy hoạch một khu đất rộng 5ha trong chương trình nông thôn mới và sẽ tổ chức đấu giá cho các hộ dân mua đất. Hiện nay, các hộ dân vạn chài đều có hộ khẩu ở xã Cổ Đô, bà con sống rất đoàn kết, quần cư với người dân trên bờ”.