Sáng sớm mỗi ngày, Nguyễn Thảo Đan (ở quận Đống Đa, Hà Nội) và Phạm Thị Thương (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại hào hứng dùng phần mềm hỗ trợ người khiếm thị để tìm kiếm thông tin thi đấu SEA Games trên các trang web điện tử. Sau đó, Đan sẽ lựa chọn địa điểm gần nhà và dễ dàng di chuyển cho cả hai.
Trang phục quen thuộc Thảo Đan chọn là một chiếc kính đen và áo đỏ để cứ môn nào có đội tuyển Việt Nam thi đấu là em sẽ tới cổ vũ hết mình.
Tại mỗi địa điểm thi đấu, Đan và Thương lại nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các bạn tình nguyện viên, lực lượng bảo vệ trong quá trình di chuyển và hướng dẫn về vị trí khán đài dành cho cổ động viên. Cách để đôi bạn khiếm thị cảm nhận không khí thể thao đó là theo dõi song song tường thuật trực tiếp trên YouTube và tại sân thi đấu.
Thảo Đan cho biết thêm: "Khác với mọi người khi theo dõi trận đấu sẽ được nhìn thấy điểm số để nắm bắt diễn biến trận đấu tốt hơn. Còn với em, em sẽ cổ vũ theo tiếng hò hét của cổ động viên Việt Nam ngồi xung quanh. Em cho rằng, chỉ cần mang tinh thần cổ vũ nhiệt tình trên khán đài cũng sẽ thể hiện được một tình yêu, niềm tự hào gửi tới các vận động viên".
Tuy không trực tiếp nhìn thấy "sắc đỏ" phủ rực khán đài nhưng Thảo Đan luôn hình dung được không khí náo nhiệt, đông vui của cổ động viên qua nhiều phụ kiện, dụng cụ cổ vũ phát ra âm thanh như kèn, bóng đập, thanh đập...
Chia sẻ cảm xúc khi được tham gia cổ vũ cho vận động viên Việt Nam, Phạm Thị Thương hào hứng kể: "Nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ của các bạn tình nguyện viên, em cảm thấy yên tâm hơn và cảm nhận được sự chào đón khi đi xem SEA Games 31.
Tuy có thể ở nhà xem tường thuật trực tiếp trên YouTube nhưng em và Thảo Đan vẫn muốn đến nhà thi đấu để cùng cổ vũ, hòa chung vào không khí tự hào với các vận động viên khác. Quan trọng hơn cả, em mong muốn có thể truyền năng lượng tích cực, sự lạc quan và sự tự tin tới các bạn khiếm thị khác".
Được biết, Nguyễn Thảo Đan là sinh viên của khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam với nhiều thành tích xuất sắc trong học tập. Cô bạn còn được nhiều người biết đến khi tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện như dạy chữ nổi, kỹ năng cho học sinh khiếm thị.
Đan cho rằng, việc bản thân bị khiếm thị không gặp quá nhiều cản trở trong cuộc sống mà xuất phát từ sợi dây vô hình ngăn cách người khiếm thị. Khi nhận ra giá trị của bản thân và khao khát được sống, làm người bình thường, Thảo Đan bày tỏ: "Bình thường với người khuyết tật sẽ ngại vận động, đôi khi còn rất thụ động. Nhưng những hoạt động tình nguyện giúp mình năng động hơn, mở rộng thế giới quan. Đặc biệt, mình thấy bản thân có giá trị khi làm được việc hữu ích cho cộng đồng”.