Chàng kỹ sư của học sinh khiếm thị

TP - Với việc chế tạo thành công thiết bị hỗ trợ dạy, học môn Toán gồm thước kẻ và compa, chàng kỹ sư trẻ đã giúp các học sinh khiếm thị học đạt kết quả tốt hơn. 

Tốt nghiệp khoa Chế tạo máy, ĐH Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Sỹ Nam (SN 1985) đầu quân cho Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia, thuộc Bộ GD&ĐT. Trong môi trường làm việc này, anh có cơ hội được gặp gỡ nhiều học sinh khuyết tật, khiếm thị.

“Mỗi lần gặp gỡ học sinh khiếm thị, chứng kiến cảnh học bài, tôi thấy các em rất thiệt thòi. Đặc biệt, việc học môn Toán vô cùng khó khăn. Đơn giản như vẽ một cái hình tròn, với học sinh bình thường dùng compa vẽ rất dễ nhưng học sinh khiếm thị thì không vẽ được vậy”, Nam nói.

Chàng kỹ sư của học sinh khiếm thị ảnh 1

Từ thực tế đó, Nam quyết định nghiên cứu, thiết kế ra bộ dụng cụ hỗ trợ các em học sinh khiếm thị học môn Toán. Nam tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, cũng như trực tiếp đi khảo sát từng giáo viên, học sinh khiếm thị để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng. Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, Nam cho ra đời công trình “Nghiên cứu, thiết kế quy trình công nghệ chế tạo thiết bị dạy học môn Toán dành cho học sinh khiếm thị trong môi trường giáo dục hòa nhập”. Anh bỏ tiền túi đầu tư sản xuất các sản phẩm thử nghiệm để kiểm nghiệm tính hiệu quả nhằm chỉnh sửa phù hợp.

Tháng 11/2019, công trình của Nguyễn Sỹ Nam xuất sắc lọt vào top 5 công trình tiêu biểu nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” do T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức.

Với phần thưởng 100 triệu đồng từ chương trình, Nam tiến hành sản xuất một số sản phẩm thước kẻ song song và compa trao tặng cho học sinh trường khiếm thị. Anh đã hoàn thiện, sản xuất được 20 thước kẻ, 20 compa mang tặng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu. “Cả thầy cô giáo cũng như các em học sinh đều rất hài lòng về sản phẩm này”, Nam cho biết.

Đây là sản phẩm đặc thù nên chi phí sản xuất khá cao, khoảng 1 triệu đồng/sản phẩm. “Mong muốn lớn nhất của tôi lúc này là có sự hỗ trợ, đồng hành của doanh nghiệp, nhà hảo tâm nào đó, giúp tôi sản xuất được nhiều hơn để mang tặng các trường học có học sinh khiếm thị trên cả nước”, Nam nói. 

Theo Nguyễn Sỹ Nam (Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia), hiện cả nước có khoảng 10 nghìn trẻ em khiếm thị. Nếu được hỗ trợ học tập tốt, các em sẽ có thêm cơ hội để hòa nhập cộng đồng, làm chủ cuộc sống của mình tốt hơn. “Thời gian tới tôi sẽ nghiên cứu, chế tạo trọn bộ thiết bị hỗ trợ dạy học tối thiểu để tặng học sinh khiếm thị”, Nam nói.  

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.