Độc đáo văn bia cổ trên vách núi ghi dấu ấn chiến công Thượng hoàng Trần Minh Tông

TPO - Văn bia được khắc trên núi Nam Thành ở xã Chi Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An) ghi lại chiến công hiển hách của quân dân nhà Trần. Trải qua nhiều thế kỷ, văn bia vẫn còn nguyên vẹn từng nét chữ.

Video độc đá văn bia cổ khắc trên núi đá ở huyện Con Cuông (Nghệ An) ghi dấu ấn chiến công của Thượng hoàng Trần Minh Tông.

Văn bia cổ được gọi là Bia Ma Nhai nằm ở trên vách núi Nam Thành (xã Chi Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An), cách trung tâm thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 130 km.

Văn bia nằm ẩn khuất trên dãy núi đá vôi. Đây là tấm bia được khắc trực tiếp lên núi cổ nhất tại Việt Nam.

Trên đường vào nơi hang núi khắc tấm bia được đặt một tấm biển dẫn tích về Bia Ma Nhai để du khách thập phương về tham quan có thể tìm hiểu rõ nguồn gốc.

Theo sử sách ghi chép, tấm bia do Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn biên soạn và trực tiếp khắc lên vách núi đá. Tấm bia nhằm kỷ niệm chiến công của Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông (1300-1357) chống giặc Ai Lao.

Sử sách ghi lại, vào đầu thế kỷ XIV, phía Tây Nam Nghệ An luôn bị bọn giặc bên ngoài quấy phá, cướp đất. Để bảo vệ bờ cõi và cuộc sống bình yên của nhân dân, năm Ất Hợi niên hiệu Khai Hựu thứ 7 (năm 1335), Thái Thượng hoàng Trần Minh Tông quyết định thân chinh chỉ huy quân đội, hiệu lệnh tiến đánh Ai Lao. Thấy binh hùng tướng mạnh của nhà Trần, giặc Ai Lao thất thế nên rút quân, từ bỏ ý định xâm phạm.

Với chiến công này, Thượng hoàng Trần Minh Tông xuống chiếu lui quân, rồi sai Nguyễn Trung Ngạn ghi lại chiến công rạng rỡ của tướng sĩ nhà Trần và nhân dân ta lúc bấy giờ trên vòm núi đá vôi gọi là: “Ma Nhai kỳ công bi văn” (Vào tháng 12 nhuận niên hiệu Khai Hữu năm thứ bảy Ất Hợi).

Toàn bộ văn bia ngắn gọn chỉ 14 dòng với 155 chữ, khắc sâu trên vách núi đá vôi có diện tích lớn (213cmx155cm). Theo kết quả đo đạc, mỗi chữ trung bình có đường kính khoảng 10,5 cm, được khắc sâu vào đá 0,5 mm.

“Tháng Quý Đông (tháng 12 Âm lịch), Hoàng đế đóng doanh trại ở cánh đồng Cự Đồn thuộc Mật Châu, hạ lệnh cho các tướng cùng binh lính man di kéo vào nước ấy, tên nghịch tặc Bổng nghe tiếng chạy trốn, bèn hạ chiếu đem quân về. Khắc vào đá ngày tháng 12 nhuận, mùa đông năm Ất Hợi (1335) niên hiệu Khai Hựu thứ 7”, đoạn cuối của nội dung trên văn bia. Trong đó Cự Đồn là địa danh ở huyện Con Cuông. Còn Mật Châu là tên gọi cũ phía Tây Nam Nghệ An.

Gần 700 năm trôi qua, những dòng chữ khắc trên vách núi vẫn còn nguyên vẹn.

Bia Ma Nhai là thông điệp nhắc nhở hậu thế luôn ghi nhớ công lao to lớn của quan quân và nhân dân ta đời nhà Trần trong việc bảo vệ bờ cõi của Tổ quốc, là minh chứng sống động, sáng mãi với tên tuổi của Thượng hoàng Trần Minh Tông, Tể tướng Lê Trung Ngạn - những người con anh hùng đất Việt. Bia Ma Nhai là bản anh hùng ca bất hủ về cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, về tinh thần đoàn kết một lòng của quan quân nhà Trần và của nhân dân ta, ý chí kiên cường bất khuất trước kẻ thù, với khát vọng thống nhất giang sơn, giữ yên bờ cõi của nhân dân Đại Việt.

Hang đá ngay dưới mỏm núi Thành Nam được khắc bia ngày nay được người dân lập bàn thờ, cử người canh gác bảo vệ. Hàng tháng đến ngày Mồng Một, ngày rằm, người dân trên địa bàn đều đến thắp hương tưởng nhớ những tướng sĩ, binh sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên cương.

Trên vách núi còn được in một tấm bảng dịch lại nội dung của văn bia để người dân đến có thể đọc hiểu.

Trong mỏm núi đá nơi tấm bia được khắc có nhiều nhũ đá với những hình thù kỳ lạ. Trong đó nhiều người tưởng tượng có hình rắn thần xuất hiện như để bảo vệ tấm văn bia.

Tháng 8/2011, Bia Ma Nhai khắc trên núi Thành Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ông Phan Anh Tài - Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông - cho biết hiện Sở Khoa học và Công nghệ làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Bia Ma Nhai là di sản tư liệu. UBND huyện Con Cuông cũng đang lập đề án quy hoạch 7 ha quanh núi Thành Nam để bảo vệ bia cổ và phát triển du lịch.