Tìm viên ngọc trên nhà bia tả quân Lê Văn Duyệt

Ông từ trông nhà bia vui mừng khi viên ngọc đã được trả về trên nóc nhà bia Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Ông từ trông nhà bia vui mừng khi viên ngọc đã được trả về trên nóc nhà bia Ảnh: Trần Nguyễn Anh
TP - Di tích Lăng tả quân Lê Văn Duyệt mà người dân thường gọi là lăng Ông, được người dân TPHCM coi là nơi tối linh thiêng, hàng ngày có cả ngàn người vào lễ hương khói. Nhưng vào dịp chuẩn bị giỗ Ông năm nay, trộm đã táo tợn lẻn vào…

Mất viên minh châu

Kiến trúc di tích lịch sử lăng Ông gồm ba phần từ ngoài vào là nhà bia, lăng mộ và miếu thờ.

Bác Mai Trinh là thủ từ được cử hương khói khu vực nhà bia và mộ của tả quân 13 năm nay. Bác đưa tôi đi xem nhà bia, và bảo: “Thật là táo tợn, hôm 29/8 vừa rồi trộm đã lẻn vào lấy mất viên bích châu trên nhà bia, đúng vào dịp chúng tôi đang chuẩn bị lễ giỗ Ông hàng năm! Sáng ra, bảo vệ kiểm tra và phát hiện viên bích châu không cánh mà bay”.

Trong lăng đang dựng rất nhiều rạp chuẩn bị cho lễ giỗ thứ 188 tả quân Lê Văn Duyệt vào các ngày 16-17-18/9. “Mỗi lần giỗ Đức Ông, tất cả các đình làng trong vùng Gia Định xưa, ngoài TPHCM còn có đại diện nhiều đình ở Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai… về cung kính dâng lễ. Ấy thế mà năm nay lăng lại bị trộm viếng thăm” - Những người dân phát tâm công đức lo lễ giỗ của ngài xôn xao suốt chục ngày qua.

 Số là trên nóc nhà bia có hình ảnh lưỡng long tranh châu, hai con rồng cùng tranh viên ngọc. Tên trộm đã vào cuỗm đi mất. Những người bảo vệ ở lăng cho biết: “Chúng tôi có camera và phát hiện tên trộm đeo ba lô, lẻn vào lăng, trèo lên nóc nhà bia và gỡ mất viên ngọc màu xanh nằm giữa hai con rồng”. 

Ban quản lý lăng đã tức tốc báo với các ngành chức năng và lực lượng công an vào cuộc, bắt được tên trộm, thu hồi viên ngọc, ngày 12/9 trả ngọc về gắn lại trên lăng Ông.

Bác Trinh kể: “Ly kỳ lắm! Công an đã đưa tên trộm về lăng để phục vụ điều tra, dựng hiện trường. Tên trộm tay không trèo lên mái nhà bia, sau khi tháo viên ngọc ra, nó bỏ vào ba lô, dùng dây thả xuống đất. Nếu nó thả mạnh tay một chút thôi, không chừng viên ngọc đã bị vỡ mất rồi!”.

Tên trộm bị bắt, viên ngọc đã được trả về chốn cũ, được đặt lại đúng vị trí trên nhà bia. Công việc chuẩn bị giỗ lần thứ 188 của ngài tả quân Lê Văn Duyệt tiếp tục diễn ra cho dù câu chuyện về tên trộm táo tợn vẫn còn được mọi người nói với nhau mỗi ngày.

Di tích nhà bia

Nhà bia tả quân Lê Văn Duyệt được xây dựng như một ngôi điện nhỏ, tường gạch, mái lợp ngói âm dương. Bia đá cổ khắc văn bia chữ Hán đề “Lê công miếu bi” (Văn Bia Miếu Lê Công) do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải viết năm Giáp Ngọ (1894).

Bài văn bia có đoạn: “Ôi, lạ thay! Huân danh của Ông sáng chói, công trạng của Ông hiển hách đều do buổi ban đầu khai thác lục tỉnh mà có, đến nay năm tháng qua đi, sông hồ đổi khác, danh tiếng Ông vẫn còn mãi, việc thờ cúng đèn hương không dứt”.

Văn bia cũng miêu tả về tả quân: “Ông tên chữ là Văn Duyệt, tổ tiên người Quảng Ngãi dời vào ở Định Tường, năm 17 tuổi bỗng nhiên có chí trận mạc, để lưu danh sử sách. Theo Thế Cổ Cao Hoàng Đế ta ở Gia Định, chiến công cực kỳ to lớn. Sau khi đại định, Ông được phong tước, chịu mệnh vua giữ đất an dân, cầm lệnh tiết, việc xử trí việc lớn quốc gia với các nước Xiêm La, Chân lạp, kinh lược hai xứ Nghệ An , Thanh Hóa, hai lần bình định bọn man mọi tàn ác, một lần tận diệt bọn sư tăng hung dữ. Những nơi Ông đến không nơi nào là không quy phục, trước sau Ông đã hai lần làm Tổng trấn Thành Gia Định gần 20 năm, nên đã để lại niềm kính yêu cao dầy trong dân chúng”.

Mỗi ngày di tích đón hàng ngàn du khách, trong đó nhiều khách nước ngoài. Ngày 13/9, sau khi hay tin viên ngọc bích châu đã được trả về nhà bia, rất nhiều người dân và du khách đã tìm tới nghiêm ngưỡng nhà bia, thắp hương cho tả quân và chia vui cùng ban quản lý lăng cùng người dân.

Anh Hoàng, du khách tới chụp ảnh và nói: “Không rõ viên ngọc giá bao nhiêu tiền mà tên trộm lại to gan vào lấy?”. Những người trông coi lăng trả lời: “Viên ngọc không tính được bằng tiền vì từ ngày 6/12/1989, Lăng được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia nên viên ngọc này là tài sản quốc gia”.

Viên ngọc bích được trả về trên nóc nhà bia, màu xanh dương của nó lấp lánh trên cao, tỏa ra ánh sáng thanh bình lên mảnh đất phương Nam.

Cõi linh cõi phàm

Chị Nguyễn Thị Tuyết, người Gò Vấp, thường tới dự lễ giỗ Tả quân hàng năm, nói với phóng viên: “Đối với người miền Nam nói chung và người Gia Định nói riêng, đều coi đức Tả quân Lê Văn Duyệt là thành hoàng, khi sống thì khai phá mở mang đất đai, lúc mất đi thì phù trợ cho xứ này”. Hình ảnh lăng ông Tả quân Lê Văn Duyệt từng được sử dụng làm biểu tượng của miền Nam trước đây (cùng với hình ảnh Văn Miếu tượng trưng cho Hà Nội và Ngọ Môn tượng trưng cho Huế).

Sự linh thiêng của ông đã gắn với những giai thoại. Ngay trên tấm bia cổ trong nhà bia cũng có viết: “Ông mất đi, tinh anh kết tụ, núi sông bao bọc, mỗi đêm thanh trời tối, trên mộ Ông vang lên tiếng ngựa hý quân reo, mọi người đều kính trọng và tránh xa Ông, gọi đền là miếu Ông, gọi mộ là lăng Ông, dựng tượng Ông để thờ cúng mãi mãi”.

Anh Hoàng, một thương nhân ở quận 5 nói rằng: “Nhiều việc mua bán làm ăn, người ta chỉ cần đến lăng Ông, thề với nhau, mà không cần hợp đồng văn bằng nào hết. Vì kẻ nào sai lời thề sẽ bị đức Ông trừng phạt”. 

Bác Mai Trinh, người trông lăng bia tâm sự: “Phải khen ngợi công an giỏi, vụ trộm xảy ra mấy ngày, đã bắt ngay được tội phạm mà trả ngọc về cho lăng. Nhưng cũng không quên sự linh thiêng của đức ông tả quân Lê Văn Duyệt, đã nghiêm khắc ra tay trừng trị kẻ bất lương, nghịch đạo!”.

Bác Trinh vừa nói xong thì vội quay ra tiếp đoàn khách mới tới thăm lăng. Mọi người cùng hớn hở kéo nhau ra tới nhà bia cùng ngắm nhìn viên ngọc đã quay về lăng cổ.   

Tìm viên ngọc trên nhà bia tả quân Lê Văn Duyệt ảnh 1 Khu di tích đang chuẩn bị lễ giỗ thứ 188 tả quân thì bị mất trộm

Bác Mai Trinh, người trông coi lăng bia nói rằng: “Tôi năm nay 74 tuổi, đã 13 năm trông coi nhà bia và lăng mộ, thắp nhang cho đức Tả quân mỗi ngày, không nhận đồng lương nào. Ấy vậy mà có những kẻ  không làm gì cho lăng, không giúp gì cho di tích lại còn tham lam vào để trộm cắp! khó tránh khỏi cảnh bị tù đày”. 

MỚI - NÓNG