Đây là niềm vui, cũng là nỗi lo; cơ hội nhiều mà thách thức cũng vô cùng lớn. Cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn. TPP và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là trận tuyến của các doanh nghiệp, là chiến trường của các doanh nhân.
“Doanh nhân” - từ chỗ không có tên trong từ điển tiếng Việt, là “thằng bán tơ” trong truyện Kiều, là “mụ Lường” trong kho tàng Truyện cổ tích Việt Nam, là “con buôn”, “con phe” trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung…những người làm kinh doanh đã tìm lại được tên mình trong 2 chữ “Doanh nhân” trong thời đại mới.
Theo đề nghị của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm ngày Doanh nhân. Năm 2011, Đảng ta có nghị quyết về Doanh nhân. Năm 2013, hai tiếng “Doanh nhân” được hiến định trong Hiến pháp. Sự hồi sinh và phát triển của đội ngũ doanh nhân trong lòng dân tộc là một trong những thành quả quan trọng nhất của công cuộc đổi mới những năm qua.
Nhưng, đất nước vẫn chưa giàu, hàng chục triệu người dân ở nông thôn lẫn thành thị vẫn đang thiếu việc làm. Công cuộc đổi mới kinh tế vẫn chưa tới đích… Đội ngũ doanh nhân đang nghe “Tổ quốc gọi tên mình”!
Nhà nước chỉ có thể tạo môi trường, là bà đỡ, hậu phương trong trận chiến kinh tế. Sự thành bại của doanh nghiệp trong cuộc hội nhập không chỉ quyết định bởi khung khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô, mà còn được quyết định từ những hành vi công vụ hàng ngày từ cấp xã phường, từ chị văn thư, anh hộ tịch... Một chính quyền vì dân phải hiện hữu trong thái độ tận tâm của từng công chức.
Ở nước ta, bình quân 200 người dân mới có 1 doanh nghiệp, trong khi tỷ lệ này ở các nền kinh tế phát triển là 15-20 người dân/doanh nghiệp. Chúng ta cần bắt đầu một cuộc cách mạng về khởi nghiệp để tiến lên con số 5 triệu doanh nghiệp trong tương lai xa (hiện là 500 nghìn doanh nghiệp) và 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam cần xốc lại để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu. Đó là kế hoạch hành động về thị trường, đối tác, đổi mới phương thức sản xuất và quản trị; phải thiết thực và tiết kiệm; chuyên nghiệp và không “ăn xổi, ở thì”; sáng tạo; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và chú trọng nền tảng văn hóa kinh doanh: Làm giàu bằng cách phụng sự xã hội.
Với nhiều doanh nhân, đó sẽ là cuộc lột xác thực sự và rất đau đớn của họ, nhưng không có sự lựa chọn nào khác.
Thời hội nhập “Tổ quốc gọi tên mình”, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hãy là “Mặt trời gieo hạt nắng vô tư”, hãy là ánh sáng để Hội tụ - Làm giàu – Kiến quốc, mang lại công ăn, việc làm; làm cho đất nước mạnh giàu và tự chủ, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong mỏi.
T.s Vũ Tiến Lộc