Đa dạng về chất liệu và nội dung phản ánh, có thể nói những gương mặt mới trong cuộc triển lãm lần này đã đem lại cho công chúng những cái nhìn thú vị về cuộc sống. Tính chất chuyên nghiệp cũng được hiện ra rõ ràng hơn ở từng tác giả với những dòng chủ đề cũng như cách thức tạo hình. Giản lược khối, để theo đuổi một ngôn ngữ biểu cảm chất liệu đã khiến cho họ tạo ra được một cái nhìn mới, không lặp lại đối với chính mình.
Các tác phẩm với đề tài “chim” rất quen thuộc của Thái Nhật Minh, ở triển lãm này là một cấu tứ mới. Không còn là thuôn thành hình búp, mà thiên về lối tạo hình có tính trừu tượng hóa, kết hợp với trang trí. Anh nhấn mạnh đến việc tạo ra hình thể trọng tâm bằng các khối như tác phẩm “Chim công 2” và “Chim tam giác”. Nếu ở tác phẩm “Chim công” phần đuôi chim được tạo hình sóng mang tính gợi mở theo chiều dọc với sự tác động ánh sáng linh động trên bề mặt chất liệu nhôm đúc khiến tác phẩm như gợi ra sự chuyển động cho một khối hình tĩnh tại, thì ở “Chim tam giác” lại là một tổ hợp của các trạng thái.
Chim công 2 (Nhôm đúc) - Thái Nhật Minh
Trần Văn An vẫn là sắt hàn và sự vận động của khối tự thân trong sự giãn nở khúc triết đã tạo nên một chân dung đa chiều gần về với tính chất trừu tượng hóa. Yếu tố này cũng tìm thấy trong tác phẩm “Những con mèo” của Phạm Văn Tuấn với việc kéo dài hình thể để tạo ra sự chuyển động giữa các khoảng trống. Sự kết hợp so le của những thanh ngang và những thanh dọc đã tạo ra một cảm xúc khá lạ kì cho hình tượng này.
Tìm cách tổ hợp các chất liệu cũng là một xu hướng mới cho các thể nghiệm của các nhà điêu khắc. Loạt tác phẩm kết hợp sợi, vải và nông cụ đã tạo nên một tương phản khá mạnh đánh vào cảm giác của công chúng. Những chiếc răng bừa lòi ra từ một cái gối bông, hay nhưng cuộn chỉ quấn nhằng vào nông cụ trong một cấu trúc dựng ngược đã khiến gợi ra nhiều liên tưởng về các vấn đề xã hội.
Mất ngủ (Sợi dệt - Răng bừa) - Nguyễn Duy Mạnh
Rồi loạt tác phẩm vận dụng chính những cái chai làm thành những chân dung vô định của Đào Đình Tân cũng tạo ra những suy nghĩ liên tưởng về xã hội. Về sự rỗng tuếch khoác áo comlet. Trong khi đó đối lập lại với nó là “Chân dung đỏ” của Phạm Tuấn Minh với khuôn mặt được tạo ra từ rác thải như chai lọ, bút… tạo ra sự biến thái hỗn tạp về cảm xúc. Chân dung con người đương đại như được lộ ra trần trụi.
Các chân dung đó như được nối tiếp với dòng suy tưởng về tuổi thơ ngày nay ở “Vỏ bọc không tái chế” của Lưu Tuyền. Tuổi thơ như bị đóng băng bởi cảm xúc hồi cố về những con búp bê. Hay “Hạc giấy” của Nguyễn Mạnh Hùng với gương mặt đứa trẻ trong ánh nhìn ngây ngô đầy trìu mến, mơ mộng. Dường như quá khứ đó đã xa xôi trong cuộc sống đương đại bộn bề.
Có thể nói, từ việc khai thác khối thuần túy để tạo nên cảm xúc trong các chất liệu điêu khắc chuyên biệt như nhôm đúc, sắt hàn đến việc khai thác đa chất liệu đã cho thấy những biên độ sáng tạo khác nhau của các nhà điêu khắc trẻ. Nó cũng cho thấy một nguồn năng lượng mới dồi dào khi mỗi người trong số đó đã tìm được những hướng đi riêng. Điều này cho hy vọng về những triển lãm chuyên biệt hơn về đề tài, hoặc chất liệu thể loại ở triển lãm định kỳ trong những năm tới của Câu lạc bộ.