Diễn tập chặn Ebola tại sân bay

TP - Ngày 17/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp chỉ đạo cuộc diễn tập phòng chống dịch bệnh Ebola tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). 
Người nghi mắc Ebola được cách ly trong tình huống giả định ở sân bay Tân Sơn Nhất. ảnh: L.N

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao công tác phòng chống dịch của TPHCM. Theo Bộ trưởng, TPHCM là nơi có giao lưu quốc tế lớn, lượng hành khách từ các nước châu Phi và vùng có dịch về nhiều hơn các địa phương khác, vì vậy phải chặn dịch ngay tại cửa khẩu.


“Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, Viện Pasteur TPHCM và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM phải phối hợp nhuần nhuyễn hơn, các thủ tục cách ly bệnh nhân phải nhanh chóng hơn để hạn chế thấp nhất nguy cơ virus có thể phát tán”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo. 

Trước tình huống có hành khách đến Việt Nam từ vùng có dịch Ebola và qua máy đo thân nhiệt phát hiện có sốt, các bác sĩ ở Đội cơ động chống dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng cách ly, khử khuẩn. 

Khi phát hiện “bệnh nhân” khả nghi, ngay tức khắc, nhân viên kiểm dịch mời hành khách này vào khu cách ly của Trung tâm Kiểm dịch y tế để tìm hiểu lý lịch, điều tra dịch tễ.

Sau đó, nhân viên kiểm dịch báo cáo trực ban lãnh đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM, mời cán bộ an ninh và hải quan sân bay đến làm thủ tục tại chỗ cho hành khách. Thủ tục hoàn thành, hành khách được chuyển xuống phòng cách ly của khu vực cách ly khử trùng, diệt khuẩn.

Tại đây, hành khách được đưa vào phòng thay quần áo, khử khuẩn và đưa lên xe chuyên dụng cấp cứu vận chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để theo dõi, điều trị hỗ trợ trong vòng 21 ngày. 

Trong tình huống giả định khác, một bệnh nhân đi công tác từ vùng dịch Liberia về TPHCM và 2 tuần sau thì phát sốt, đau cơ kèm tiêu chảy và xuất huyết. Nghi ngờ người này mắc Ebola, Đội cơ động chống dịch của Viện Pasteur TPHCM đến nơi cư trú của bệnh nhân để khử khuẩn và cách ly. 

Bệnh nhân được đưa vào buồng khử khuẩn chuyên biệt. Quần áo, giày dép… của bệnh nhân được cho vào thùng rác y tế. Bệnh nhân được rửa sạch bằng nước trong 60 giây, khử khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn rồi rửa lại bằng nước trước khi thay áo quần, bịt khẩu trang và đưa đến cơ sở điều trị.

“Khi tiếp xúc bệnh nhân, chúng tôi sẽ điều tra dịch tễ cụ thể như thời gian bệnh nhân bị các triệu chứng sốt, xuất huyết hay tiêu chảy; đã tiếp xúc với ai, địa chỉ cụ thể… để theo dõi xung quanh”, GS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, nói. 

Theo bác sĩ Lân, những người đã tiếp xúc với bệnh nhân cũng được khử khuẩn tương tự, thậm chí là cách ly, theo dõi chặt. Sau khi hoàn tất thủ tục điều tra dịch tễ cũng như khử khuẩn, bệnh nhân được đưa ra xe cứu thương được sát khuẩn và đưa đến BV Bệnh Nhiệt đới để cách ly, điều trị. 

Tại buổi diễn tập, bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế TPHCM, cho biết, những tuần qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ Cảng vụ hàng không, Hải quan, An ninh sân bay Tân Sơn Nhất để hỗ trợ giám sát, kiểm dịch và triển khai các thủ tục thuận lợi nhất nhằm phát hiện sớm và cách ly hiệu quả trong trường hợp phát hiện hành khách có dấu hiệu nghi ngờ. 

“Hiện nơi đây có 2 máy đo thân nhiệt thường trực 24/24 giờ và 2 máy dự phòng. Ngoài ra, tuần qua đã thực hiện khai báo y tế đối với hành khách có các yếu tố dịch tễ như đi về từ các vùng có dịch, sốt cao trên 380C”, ông Sáu thông tin. 

Theo ông Sáu, đã yêu cầu khai báo y tế đối với 13 hành khách nhập cảnh do có yếu tố dịch tễ là đến từ các nước có dịch. Đã thông báo về địa phương để giám sát 21 ngày trong cộng đồng.