> Bộ trưởng GD&ĐT: Điểm Sử thấp, đừng vội coi là thảm họa
Đặt trong bối cảnh toàn bài phỏng vấn, có thể thấy lãnh đạo ngành giáo dục rất trăn trở trước thực trạng trên và đang tìm cách tháo gỡ, dù chưa có phương án rõ ràng.
Tuy nhiên, ở đây có sự dễ dãi khi đánh đồng các môn học tự nhiên với Lịch sử. Với Toán, Lý, Hóa… có giỏi, khá, kém, thậm chí mù tịt. Nhưng mù tịt lịch sử nước nhà đến nỗi không viết được dòng nào vào bài thi để phải nhận điểm 0 thì không hề là điều bình thường.
Hoặc đề thi Lịch sử quá đánh đố theo kiểu tàn sát thí sinh để chọn ra số ít. Hoặc có quá nhiều con số, nhiều mốc ngày tháng năm cùng những tiểu tiết, mà nếu thí sinh không nghiến răng học vẹt thì không bao giờ có điểm. Nếu quả như vậy, thì đã có sự thất bại lớn trong việc dạy, lẫn việc thi cử trong môn học thấm đẫm ý thức công dân này.
Trong khi, cái đích cuối cùng là truyền cho thế hệ trẻ, chủ nhân mới của đất nước sự hiểu biết, tình yêu và niềm tự hào về lịch sử thăng trầm đầy máu và nước mắt của cha ông mình.
Dù đang là thời đại của thế giới phẳng và những công dân toàn cầu, thì mỗi con người cũng chỉ có thể mang một dòng máu cụ thể với một tình yêu cụ thể. Đó là tình yêu và bổn phận cao nhất đối với dân tộc mình thông qua dòng chảy lịch sử, truyền thống cha ông chảy trong huyết quản. Bởi nếu các môn khoa học khác trang bị cho con người kiến thức, thì chính sử học và các môn học nhân văn đem lại cho con người ý thức: Ý thức công dân!
Những năm gần đây, ta hầu như chỉ đẩy mạnh loại hình du lịch tâm linh, trong khi gần như bỏ trống loại hình du lịch văn hóa sử vốn rất thịnh hành trên thế giới. Ra nước ngoài, bất cứ tour du lịch lớn nhỏ nào, cũng đều dẫn đến những bảo tàng.
Một món quà lưu niệm nhỏ, cho tới phim ảnh, sách báo đều gắn với lịch sử, văn hóa của đất nước ấy. Còn ta, những bảo tàng thi nhau đầu tư tiền tỷ, nhưng trống trải, lạnh lẽo. Những di tích văn hóa nổi tiếng, nếu không tìm cách gắn vào đó vài yếu tố tâm linh để hút khách đến cầu cúng thì cũng như chùa bà Đanh. Sự thân thiện của lịch sử ngày càng xa lạ với đời sống xô bồ hối hả bây giờ.
Thậm chí, có những cú tát vào chính văn hóa, lịch sử đất nước mình. Như mới đây, ở Khu du lịch đồi Mộng Mơ (Đà Lạt), người ta xây dựng một Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ bắc qua mấy quả đồi, với đầy đủ đội quân Tần Thủy Hoàng bằng tượng đứng san sát, và khắc cả câu “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán” (?!).
Người làm văn hóa chính là người thổi hồn vào lịch sử cha ông để cho ra những sản phẩm làm lớn dậy tình yêu dân tộc trong mỗi người dân mình, lại có lối suy nghĩ và hành động thiếu trách nhiệm và tình cảm như vậy. Và cứ thế, không phải là điểm 0 Lịch sử, mà là điểm âm lịch sử. Đó sẽ là thảm họa.