Gần mười năm qua đã có hơn 900 hộ (gần 4.200 nhân khẩu) di cư tự do đến sinh sống ở các vùng Tây Nguyên và Tây Bắc.
Đáng chú ý, số dân này chủ yếu là người dân tộc Mông (hơn 98%), thường di cư sau mùa vụ nhàn rỗi hoặc sau Tết Nguyên đán, và chủ yếu xuất phát từ các địa phương là huyện Xín Mần, Hoàng Su Phì, Bắc Mê, Mèo Vạc, Yên Minh, Hà Giang đã kiến nghị với Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Tây Nguyên cần đề xuất lên Trung ương tăng hỗ trợ bố trí định cư theo các chương trình, dự án; đồng thời hỗ trợ cụ thể vào sản xuất, đời sống để giảm bớt khó khăn cho các hộ dân.
Một cán bộ dân vận Hà Giang nói với Tiền Phong, người Mông có năng lực sinh tồn và di cư rất đặc biệt. Trong những điều kiện và môi trường sống khắc nghiệt, người Mông vẫn tồn tại, vừa thích hợp nhưng lại thường có “nhu cầu” di cư.
Trường hợp Vừ Già Pó ở Mèo Vạc lưu lạc sang tận Pakistan cách xa quê hương gần 6.000km là một ví dụ. Những khó khăn về đời sống, kinh tế xã hội nơi người Mông sinh sống cũng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến di cư tự do.
Phó ban chỉ đạo Tây Bắc, bà Hoàng Thị Hạnh trao đổi với Tiền Phong, cho biết hiện Tây Nguyên còn gần 21.000 người Mông di cư đến đang sống tản mát trong rừng đặc dụng và rừng sâu rất khó kiểm soát.
Từ nay đến năm 2020 Tây Nguyên cần hàng ngàn tỷ đồng phục vụ các dự án định cư, ổn định sản xuất cho số dân này.
Tại một huyện ở Cao Bằng có 7 dự án định cư cho dân, đã chi hơn 70 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có một hộ dân tộc thiểu số nào đến sinh sống vì nhiều nguyên nhân khác nhau...