Sau đó, Thủ tướng Shinzo Abe (ngồi giữa) lần lượt mời các Thủ tướng (xếp theo thứ tự chữ cái Latin) phát biểu với cánh nhà báo, từ Thủ tướng Campuchia Hun Sen, đến Thủ tướng Lào Thoongsing Thammavong, rồi Tổng thống Myanmar Thein Sein (bữa nay ngó hơi lạ trong bộ âu phục kính gọng vàng chứ không bận quốc phục longy như mọi hội nghị quốc tế?), Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, cuối cùng là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Các vị lãnh đạo đều bộc bạch thẳng thắn, cởi mở về sự giúp đỡ kịp thời, hiệu quả của Nhật Bản về đường hướng nhằm khơi dậy những tiềm năng kinh tế Tiểu vùng. Và cả cú hích 750 tỷ yen để vững vàng thêm những trụ cột kinh tế, an ninh của Tiểu vùng… Riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phát biểu ngắn gọn của mình cũng có nhắc lại ý của Thủ tướng Shinzo Abe rằng, an ninh biển Đông và an toàn hàng hải đang bị đe dọa, các thành viên Tiểu vùng cũng như nhiều nước khác có trách nhiệm giữ gìn hòa bình, an ninh của cả khu vực châu Á…
An ninh dòng chảy
… Trong lúc đợi cuộc họp báo chung diễn ra do đích thân ngài Thủ tướng Nhật Bản chủ trì, cánh báo chí Nhật và quốc tế ken chật hành lang, mở laptop, tất bật hành nghề. Còn tôi đương nghĩ đến cái dịp mượn được bộ phim nhiều tập ngồi xuyên đêm, mải mốt ngó “Mekong ký sự”.
Vẫn mồn một lẫn loang loáng, Mekong, con sông kỳ vĩ có chiều dài bốn ngàn rưỡi cây số. Gần một nửa chiều dài ấy lúc xiết lúc hiền hòa, êm ả trên lãnh thổ Trung Quốc. Ngọn nguồn sông được gọi là Trát Khúc trong tiếng Tây Tạng. Trát Khúc xuôi xuống hợp lưu với một nhánh khác tạo ra Lan Thương Giang. Phần lớn đoạn sông này có các hẻm núi sâu, và con sông này rời Trung Quốc khi độ cao chỉ còn khoảng 500 m so với mực nước biển. Sau đó, đoạn sông Mekong dài khoảng 200 km tạo thành biên giới giữa hai nước Myanmar và Lào. Tại điểm cuối của biên giới, con sông này hợp lưu với một nhánh tại Tam giác vàng. Điểm này cũng là điểm phân chia phần Thượng và phần Hạ của Mekong.
Sông Mekong làm thành biên giới của Lào và Thái Lan trong đoạn chảy qua Viêng Chăn, sau đó một đoạn ngắn chảy trên đất Lào tạo nên thác Khone kì vĩ gần biên giới Campuchia dài 15 km, cao 18m ngẫm nghĩ voi đi. Thác Khôn cười trắng xóa (thơ Nguyên Hồng)
Rồi trên đất Campuchia, Mekong có tên Tông-lê Thơm (sông lớn). Ở phía trên Phnom Penh, Mekong hợp lưu với Tông-lê Sáp, con sông nhánh chính của nó ở Campuchia. Vào mùa lũ, nước chảy ngược từ sông Mekong vào Biển Hồ Tông-lê Sáp. Hai chi lưu quan trọng khác là sông Sê San và sông Serepok (bắt nguồn từ Tây Nguyên của Việt Nam) hợp lưu với nó trên lãnh thổ Campuchia gần khu vực Stung Treng. Bắt đầu từ Phnom Penh, nó chia thành hai nhánh: bên phải là sông Ba Thắc (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mekong (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài chừng 220-250km mỗi sông. Tại Việt Nam, sông Mekong còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông Cửu Long. Lại nhớ thêm 11 cây cầu qua các nhánh uốn lượn của Mekong khi qua lãnh thổ Việt.
Bây giờ ngó thêm tài liệu, rờn rợn số liệu hơn một nửa chiều dài Mekong chảy qua tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), người ta không để nó chảy suông mà bít rịt với nhiều nấc thang năng lượng của các nhà máy thủy điện. Lại còn chương trình lớn về xây dựng các đập Mạn Loan, Đại Triều Sơn, Cảnh Hồng, Tiểu Loan… Chưa kể khoảng hơn một chục đập khác đang được nghiên cứu. Người ta lo ngại rằng, các đập này sẽ ngăn cản chuyển động của trầm tích, gây nhiều di họa cho nông nghiệp và nghề cá ở phía hạ lưu của Lào, Myanmar, Campuchia và Việt Nam.
Mọi sự đổi thay từ tít thượng nguồn Mekong ở Vân Nam (Trung Quốc) và những quyết định tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 đều ảnh hưởng hệ thống thủy văn, môi sinh nguồn lợi thủy sản ở Biển Hồ của Campuchia cũng như mớn nước vận tải của cảng Cần Thơ bên sông Hậu. Ảnh: Xuân Ba.
An ninh cho một dòng chảy của Tạo hóa, nguồn sống chính của hàng trăm triệu dân ASEAN từng được ví như người khổng lồ đang ngủ, chứa trong lòng một khối tiềm năng to lớn về thủy điện, về dẫn thủy nhập điền cũng như khả năng phòng lụt, đồng thời để giữ gìn bền vững khối tài nguyên nước quý giá, Liên Hợp Quốc (LHQ) từng tính xa. Vậy nên ngay từ năm 1957, LHQ đã thành lập Ủy ban sông Mekong để Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam Cộng hoà cùng khai thác sông Mekong. Tuy nhiên, vì chiến tranh, kế hoạch khai thác bị trục trặc. Có thể nói, chỉ vào thời gian gần đây, trước nạn dòng chảy Mekong bị đe dọa, bị bức tử xâm lấn phía thượng nguồn, nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản dường như đã thay mặt LHQ làm một thứ trọng tài cho an ninh Mekong. Hội nghị thượng đỉnh Mekong - Nhật Bản là ý tưởng thời Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 12 (Philippines, tháng 1/2007), Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama bất ngờ đưa ra Chương trình quan hệ đối tác Nhật Bản - Mekong vì sự thịnh vượng chung, được các nước ASEAN hết sức tán đồng. Sau đó, Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần đầu tiên đã được tổ chức vào tháng 11/2009 tại Tokyo, thông qua Tuyên bố Tokyo làm nền tảng cho hợp tác giai đoạn 2009-2012. Các hội nghị cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đã thúc đẩy sự hợp tác được triển khai trên nhiều lĩnh vực như phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ, bảo vệ môi trường và an ninh nguồn nước sông Mekong...
Tại Hội nghị Cấp cao lần thứ tư (tháng 4/2012), lãnh đạo các nước đã thông qua Chiến lược Tokyo làm nền tảng cho hợp tác giai đoạn 2013-2015, gồm các trụ cột: Tăng cường kết nối trong tiểu vùng Mekong và giữa tiểu vùng với các khu vực và thế giới; Hợp tác cùng phát triển giữa các nước Mekong và Nhật Bản; Bảo vệ môi trường và an ninh con người. Bên cạnh đó, hợp tác Mekong - Nhật Bản cũng được triển khai trong khuôn khổ Sáng kiến hợp tác kinh tế và công nghiệp Mekong - Nhật Bản, Sáng kiến “Thập kỷ Mekong xanh” và các chương trình giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân.
Nhật Bản hiện là trục xoay và là cú hích cho an ninh hợp tác mới Mekong - Nhật Bản. Tổng giá trị thương mại giữa ASEAN và Nhật Bản đạt 262 tỷ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 208 tỷ USD (tính đến năm 2012) và Nhật Bản hiện giữ vị trí đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN sau Trung Quốc, từng là đối tác hỗ trợ rất lớn cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển. Những điều tốt đẹp này, dân ASEAN còn nhớ. Và gần đây, Nhật Bản ưu tiên cho hợp tác tiểu vùng Mekong hành lang kinh tế Đông - Tây.
Các ký giả tác nghiệp trong Hội nghị CCMK-Nhật Bản. Ảnh: Xuân Ba.
Tôi không mấy tin vào những lời bàn suông nhạt kiểu hòa cả làng như có học giả còn làm hẳn một chuyên luận đại để, thử lý giải hay là đi tìm bí quyết về quyết định đầu tư của Nhật Bản với ASEAN và với cả Mekong nữa. Theo đó, đấy là cái cách mà Nhật Bản trả món nợ chiến tranh một cách thầm lặng (!?), mà nghĩa cử ấy chỉ có những nước lớn nhưng tử tế mới có được kiểu hành xử như thế? Nước lớn? Còn nhớ khi báo Mỹ Washington Post từng hỏi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cảm tưởng về ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Lý Hiển Long đã thẳng thắn rằng, Trung Quốc là nước lớn. Nhưng thái độ của thế giới với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào việc nước lớn này có tỏ ra mềm mỏng, có tuân thủ luật pháp quốc tế và dành không gian cho những quốc gia yếu hơn để họ phát triển hay không.
Trong lúc đợi thì hình như Nhật Bản đã hành xử trước trên cơ sở lợi ích chiến lược ở khu vực (thúc đẩy kinh tế chiều ngang nối từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương, cân bằng ảnh hưởng với các đối tác khác...). Nhật Bản là quốc gia gần về địa lý. Tiểu vùng Mekong với dân số 230 triệu dân hiện là một thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quan trọng nhất thế giới của các doanh nghiệp Nhật Bản. Nhật Bản đã tăng ODA cho khu vực các nước Mekong - Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam. Đã hỗ trợ 40 triệu USD cho các nước tiểu vùng Mekong. Đã xúc tiến đàm phán các hiệp định đầu tư song phương với Lào và Campuchia. Đã tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Nhật Bản - Mekong tháng 1/2008 tại Tokyo. Đã tổ chức năm giao lưu Mekong - Nhật Bản năm 2009. Đến nay, Nhật Bản và các nước Mekong đã tiến hành 6 cuộc họp cấp bộ trưởng và 4 cuộc họp cấp thứ trưởng.
Vì thịnh vượng chung
Giai đoạn 2008-2012, hợp tác Mekong - Nhật Bản hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ đối tác vì thịnh vượng chung. Hai bên đã triển khai nhiều dự án quan trọng trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, môi trường, giao lưu văn hóa và đối tác công - tư. Thủ tướng Nhật Bản cam kết sẽ dành 600 tỷ yen ODA hỗ trợ các nước Mekong trong 3 năm (2013-2015) và đưa ra danh sách 57 dự án mà Nhật Bản mong muốn hỗ trợ thực hiện (tổng giá trị 2.300 tỷ yen). Và tại Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần 7 này, Nhật Bản cam kết dành 750 tỷ yen ODA cho các quốc gia Tiểu vùng Mekong.
Việt Nam là nước tham gia tích cực, chủ động tranh thủ được sự hỗ trợ của Nhật Bản cho nhiều dự án, chương trình hợp tác, nhất là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Còn nhớ tại Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 4 ở Tokyo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra sáng kiến Tăng cường kết nối các hành lang kinh tế tại tiểu vùng Mekong qua thúc đẩy vận tải đa phương thức. Sáng kiến đó được các nước Tiểu vùng Mekong và Nhật Bản đánh giá cao. Bởi đã tận dụng mạng lưới sông ngòi, kết hợp hỗ trợ vận tải đường bộ và đường biển, tạo thuận lợi cho du lịch, lưu thông thương mại hàng hóa nhờ cắt giảm chi phí và thời gian vận tải, góp phần bảo vệ môi trường thông qua cắt giảm khí thải giao thông.
Không chỉ Nhật Bản quan tâm vùng hạ lưu sông Mekong. Trong một cuộc họp ngoại trưởng khối ASEAN tổ chức tại Thái Lan, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton mở cuộc họp bên lề với ngoại trưởng của 4 nước tiểu vùng sông Mekong. Nhân dịp này, bà Hillary Clinton loan báo Washington cam kết viện trợ 150 triệu USD cho 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào cho các dự án phát triển trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường trong năm 2009. Chính phủ Mỹ cũng có kế hoạch hỗ trợ 15 triệu USD cho chương trình đảm bảo an ninh lương thực đối với nhóm nước tiểu vùng Mekong trong năm 2010.
Thời gian qua, hợp tác Tiểu vùng Mekong diễn ra sôi động, thu hút sự quan tâm của nhiều đối tác lớn trong và ngoài khu vực. Hiện có hơn 10 cơ chế hợp tác Mekong hoạt động và bổ trợ hữu hiệu cho hợp tác song phương giữa các quốc gia, thúc đẩy phát triển bền vững tại Tiểu vùng. Các cơ chế hợp tác giữa các nước Mekong và các đối tác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân hàng Phát triển châu Á đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của Tiểu vùng.
Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm thống nhất định hướng cho hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn 2016-2018. Hội nghị rà soát tình hình hợp tác Mekong-Nhật Bản, đặc biệt là kế hoạch triển khai chương trình hợp tác Mekong-Nhật Bản giai đoạn 2013-2015 và đề ra các ưu tiên hợp tác thời gian tới.