Đề xuất nhiều biện pháp thúc đẩy hợp tác hòa bình

TP - Sau hai ngày họp và thảo luận sôi nổi, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ ba về biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” đã bế mạc tại Hà Nội.
TS Nguyễn Nhã và Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy trao đổi bên lề Hội thảo

> Biển Đông vào radar kiểm soát của quốc tế

TS Nguyễn Nhã và Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy trao đổi bên lề Hội thảo.
Ảnh: Cao Nhật.
 

Bảo đảm tự do lưu thông hàng hải

Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở, thẳng thắn và thực chất. Đặc biệt, năm nay Hội thảo còn dành hẳn phiên cuối để thảo luận tự do về một số vấn đề mà các học giả và đại biểu cùng quan tâm.

Trước đó, qua 8 phiên thảo luận, đã có 31 tham luận được trình bày và hơn 70 ý kiến thảo luận, gần 200 đại biểu trong nước và quốc tế đã trao đổi về các chủ đề liên quan biển Đông.

Dựa trên kinh nghiệm giải quyết tranh chấp biển của nhiều nước trên thế giới, các đại biểu và học giả đã đề xuất một số biện pháp thúc đẩy hợp tác ở biển Đông, trong đó đáng chú ý là các sáng kiến về xây dựng một cơ chế quản lý nghề cá ở cấp khu vực và kiểm soát ô nhiễm biển thực sự hiệu quả, thiết lập một mạng lưới các khu bảo tồn biển song phương hoặc đa phương như một giải pháp thay thế cho lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương hiện nay...

Các học giả cũng nhất trí rằng, Việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC) ở biển Đông sẽ giúp xây dựng lòng tin giữa các nước.

ASEAN cần có vai trò lớn hơn

Các đại biểu nhấn mạnh vai trò của Công ước Luật biển Liên hợp quốc 1982 (UNCLOS) trong việc kiềm chế và quản lý các mối đe dọa đối với an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông, cụ thể là UNCLOS có thể được áp dụng nhằm làm sáng tỏ yêu sách chủ quyền của các bên tranh chấp, từ đó hạn chế việc chiếm giữ và xây dựng các công trình nhân tạo trên một số bãi chìm, nửa nổi nửa chìm.

Các học giả cũng đã thảo luận về nỗ lực của các nước liên quan trực tiếp và của khối ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp và quản lý xung đột trên biển Đông. Một số ý kiến cho rằng để thực hiện được khai thác chung thì trước hết cần phải làm rõ vùng nào có thể khai thác chung.

Một số học giả khác lại đề cập đến vai trò của Tòa trọng tài hoặc ý kiến tư vấn của Tòa án quốc tế về Luật biển trong xử lý các vấn đề pháp lý cụ thể liên quan biển Đông, như xem xét các yêu sách hay các hành động đơn phương của bất cứ bên yêu sách nào có phù hợp với UNCLOS và với luật biển quốc tế hay không. Nhiều ý kiến cho rằng, cần thúc đẩy vai trò lớn hơn của ASEAN trong việc quản lý tranh chấp ở biển Đông.

Theo Báo giấy