Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân (ảnh) trao đổi với phóng viên Tiền Phong sau khi báo đăng loạt bài “Vì sao phải mua dự án BOT chết yểu?”.
Bộ GTVT đề xuất chi ngân sách hơn 13.100 tỷ đồng để mua lại 8 dự án BOT bất cập. Ông đánh giá vấn đề này thế nào?
Theo nắm bắt của tôi, số dự án BOT có bất cập, trong đó có doanh thu không đạt còn nhiều, lên đến hàng chục dự án. 8 dự án được Bộ GTVT đề xuất vừa qua tôi nghĩ chỉ là các dự án đầu tiên. Ngoài 8 dự án này, tôi được biết còn có các dự án mà người dân đang rất bức xúc, Đại biểu Quốc hội đã nhiều lần chất vấn về sự vô lý trong việc dự án một nơi, trạm thu phí một nẻo, bất cập trong thực hiện quy hoạch. Trong số này có các dự án/trạm thu phí như trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (dự án làm đường tránh trên Vĩnh Phúc, thu phí trên đường Hà Nội - PV), Trạm thu phí BOT trên QL26 (Khánh Hòa), Trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang)…
Khi triển khai các dự án BOT để huy động nguồn vốn xã hội, đại diện Chính phủ là Bộ GTVT đã thuyết trình và khẳng định về tính khả thi, khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư (NĐT). Hơn nữa, dự án do NĐT chủ động khảo sát, tính toán lưu lượng xe, lập dự án sau đó mới đăng ký tham gia, nay báo doanh thu thua lỗ, cùng với đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT đồng thuận và có văn bản đề xuất chi ngân sách để mua lại thì cũng phải cần xem xét. Bộ GTVT mới đề xuất số tiền mua là hơn 13.100 tỷ đồng cho 8 dự án, chưa phân tích, chưa có cơ sở diễn giải vì sao có mức mua theo hướng trả “một cục”, “một lần” cho NĐT. NĐT phải có thời gian để hoàn vốn, phải nhặt nhanh mới có “tiền cục”, nay được trả "một cục" thì lợi đang nằm về phía ai? Bài học về việc chi ngân sách ra mua lại Truyền hình AVG vẫn còn, do vậy chúng ta cần phải cẩn thận, không lại rơi vào các “bẫy” nhóm lợi ích, nhóm kê khống tài sản - thổi giá rồi thao túng ngân sách...
Cá nhân tôi không đồng ý việc chi ngân sách để mua lại các dự án BOT có bất cập do lỗi quy hoạch, đặt trạm thu phí sai vị trí. Vì các dự án này triển khai phần lớn không đúng chủ trương mục tiêu của Nhà nước là phải đảm bảo hài hòa 3 bên, gồm: NĐT, người dân và Nhà nước. Trạm thu đặt đâu, dân, doanh nghiệp vận tải, Đại biểu Quốc hội phản ứng ở đấy…. thì đảm bảo hài hòa ở chỗ nào?
Ông đánh giá ra sao về các giải pháp xử lý dự án BOT âm doanh thu mà Bộ GTVT vừa đưa ra?
Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải xem xét kỹ, thứ nhất, các dự án BOT phải thực hiện, đi đúng chủ trương, quy định của Nhà nước, pháp luật và cam kết của Bộ GTVT với Chính phủ, Quốc hội. Trong trường hợp dự án đi chệch mục tiêu, thất thu, thua lỗ thì việc đầu tiên phải xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể - người đã cho lập, thẩm định, quyết định cho triển khai - đặt các trạm thu phí tại những dự án này. Đây là việc phải làm đầu tiên, chứ không phải bây giờ cứ thất bại là đề xuất lấy ngân sách nhà nước mua lại, gỡ rối.
Thứ hai, trong dự toán chi ngân sách cho đầu tư công, và chi thường xuyên cho phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không có dự toán cho việc mua lại các dự án BOT. Cho nên bây giờ nếu chi ngân sách để mua lại các dự án BOT sẽ không có nguồn. Trong trường hợp có bố trí được ngân sách, dù là nguồn nào đi chăng nữa thì cũng không nên chi theo nội dung như vậy, chưa có quy định nào để Nhà nước phải mua lại những dự án BOT làm ăn thua lỗ, trạm thu phí cho đặt và xây dựng sai. Nên dành nguồn tiền đấy để tập trung chi cho việc cấp thiết hơn, như xây trường, trạm, đường giao thông vùng sâu, vùng xa, công trình chống úng ngập…
Thứ ba, nếu như dùng ngân sách chi cho các dự án BOT làm ăn thua lỗ thì đó sẽ là tiền lệ xấu cho các hợp đồng hợp tác công - tư, trong đó có BOT về sau. Nghĩa là dự án thất bại, làm ăn thua lỗ thì lại đề xuất Nhà nước đứng ra dùng ngân sách mua lại. Cứ gánh đỡ như thế còn gì là chủ trương của Đảng, Nhà nước, còn gì là huy động các nguồn lực đầu tư xã hội để giảm gánh nặng cho ngân sách.
Vậy theo ông, giải pháp cho vấn đề này là gì?
Theo tôi, để xảy ra các dự án BOT có bất cập về doanh thu, trạm thu phí và quy hoạch chồng chéo là do công tác lập, đề xuất dự án, thẩm định dự án và ký quyết định đầu tư có vấn đề. Sự lơ là, thiếu trách nhiệm này đã dẫn đến một số dự án triển khai ồ ạt, không thực hiện đúng chủ trương, mục tiêu đặt ra. Từ thực tế trên, đối chiếu với tình trạng các dự án xảy ra bất cập khiến Bộ GTVT phải đề xuất mua lại là gây thiệt hại cho ngân sách hơn 13.100 tỷ đồng. Thực tế này cần được làm rõ, xử lý cho nghiêm, dứt khoát, còn để làm bài học, làm gương về sau. Để những người đang có trách nhiệm hiện nay và cả mai sau thấy rằng, nếu mình không nghĩ trước, nghĩ sau, không nghĩ tới lợi ích đất nước, lợi ích nhân dân và lợi ích doanh nghiệp thì sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Về mặt nhân sự, nghiệp vụ, cũng để giúp cho nhiều người thấy rằng, ai không đủ năng lực, trình độ, không nhận thức được vấn đề, hậu quả của nó thì đừng nhận, “ôm” việc, vị trí. Không thể để những người thiếu trách nhiệm, thiếu nhận thức cứ vung bút ký dự án tràn lan, rồi sau đó dự án hoạt động không hiệu quả, NĐT quản lý, điều hành trạm thu phí thua lỗ lại đem ngân sách, tiền của người dân đóng thuế, phí ra mà gánh, mua lại. Nay có 8 dự án BOT với 13.100 tỷ, thế mai sau lại có hàng chục, hàng trăm dự án BOT khác cũng đề xuất thế thì sẽ thế nào, lấy đâu tiền để mà chi.
Trước thực trạng 8 dự án BOT ở trên, tôi thấy rằng, có thể còn nhiều cách khắc phục hậu quả, như cho NĐT kéo dài thời gian thai thác (thu phí), giảm tiền thu phí để thu hút lưu lượng xe. Ngoài ra, có thể áp dụng chính sách hỗ trợ tín dụng, để các ngân hàng khoanh, giãn nợ cho NĐT. Đây là những giải pháp nằm trong thẩm quyền Bộ GTVT và Chính phủ. Nếu thực hiện các giải pháp này thì vấn đề xử lý 8 dự án BOT trên không cần phải trình ra Quốc hội.
Xin cảm ơn ông.
Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài của dự án đường tránh Vĩnh Yên nhưng lại được đặt trạm thu phí trên địa bàn Hà Nội. Bất cập này đã tồn tại 12 năm qua và gần như kỳ họp Quốc hội nào cử tri, đại biểu cũng có ý kiến. Thế nhưng, đến nay trạm vẫn hoạt động và thu phí cả người tham gia giao thông nhưng không đi một ki-lô-mét nào đường tránh Vĩnh Yên.