Theo đề án, nhiều đối tượng sẽ lần đầu, trong đó có các đơn vị sử dụng điện lớn, được trực tiếp tham gia thí điểm trong thị trường.
Dù có sự mở cửa, thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam vẫn còn có một số hạn chế nhất định. Điểm dễ thấy nhất chính là thời gian chuẩn bị và thử nghiệm quá dài. Cụ thể, sẽ cần thêm gần 2 năm để giai đoạn một chuẩn bị cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh bước vào hoạt động chính thức. Trong đó, đến hết năm 2015 là giai đoạn chuẩn bị. Sau đó, cả năm 2016 mới là giai đoạn vận hành thí điểm bước một với việc mua bán trên giấy tờ (tính toán mô phỏng trên giấy, không thanh toán thực). Hai năm sau đó, năm 2017-2018, thị trường bước vào giai đoạn vận hành thí điểm bước hai và đến tận năm 2019 mới chính thức vận hành.
Theo các chuyên gia, dù được đánh giá có tiến bộ trong việc mở cửa bán buôn, nhưng trong thực tế, cán cân lợi thế vẫn nghiêng về EVN. Điều này xuất phát từ việc, xét về năng lực cạnh tranh, EVN có lợi thế hơn hẳn các đơn vị khác tham gia thị trường trong việc bán mua. Dễ thấy nhất là hạ tầng của các đơn vị thuộc EVN có hệ thống đồng bộ và hạ tầng tốt hơn hẳn các đơn vị sản xuất điện có công suất từ 30 MW trở lên của các đơn vị khác ngoài ngành.
Sẽ còn nhiều đầu việc tiếp tục phải làm một cách quyết liệt hơn với thị trường bán điện cạnh tranh tại Việt Nam trong thời gian tới. Ngay như trong việc bán buôn điện cạnh tranh với cơ cấu hiện nay, EVN vẫn là đơn vị cầm chịch tất cả các hoạt động mua bán. Có chăng các đối tượng mua được đẩy một phần sang 5 tổng công ty trực thuộc của EVN. Tuy nhiên, 5 tổng công ty điện lực này, nếu được tách khỏi EVN, đồng nghĩa với việc hạch toán độc lập, sẽ giúp cho việc mua bán điện có bước thay đổi đáng kể thật sự.
Bên cạnh đó, thị trường mua bán điện có bước chuyển mạnh hơn nữa nếu như Bộ Công Thương trong thời gian tới ban hành chế tài yêu cầu các đơn vị phân phối điện thuộc EVN phải phân bổ sản lượng mua điện từ thị trường về cho các đơn vị trực thuộc, khi đó sẽ xóa được việc các đơn vị thuộc ngành điện có thể được ưu tiên mua điện trước. Bước tiếp theo, về lâu dài phải tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị đang vận hành hệ thống điện và thị trường điện, ra khỏi EVN để trở thành đơn vị độc lập. Chỉ khi đó, những khách hàng mua điện, người sử dụng điện mới dần được tiếp cận sự cạnh tranh đúng nghĩa. Sự cạnh tranh thực sự này chắc chắn sẽ giúp giá điện sẽ giảm, có lên, có xuống thay vì chỉ có chiều hướng tăng như hiện nay.