“Giải trình cái, có tiền ngay”
Trong khi ở các nước thường thực hiện điều trần, còn chúng ta lại chủ yếu là giám sát và giải trình. Theo ông, giữa giải trình và điều trần giống và khác nhau ra sao?
Về nội dung, cách thức, phương pháp giữa giải trình và điều trần là như nhau. Nhưng điều trần khác giải trình bởi tính pháp lý của nó cao hơn. Khi đã điều trần thì phải thể hiện trách nhiệm cá nhân trong việc xử lý vấn đề đó. Thậm chí trong điều trần người ta cũng có thể đưa ra hướng để xử lý, hoặc đưa kiến nghị về vấn đề đó.
Còn với giải trình chủ yếu để nghe, giải thích là cơ bản. Qua giải trình, vấn đề gì thấy bức xúc, thấy cần thiết thì báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chức năng để xử lý vấn đề đó. Tuy nhiên ở đó không có tính pháp lý bắt buộc như điều trần.
Trước đòi hỏi từ thực tiễn cuộc sống, theo ông có nên xem xét, nâng từ giải trình lên điều trần?
Hiện nay, một là luật chưa quy định. Hai là chúng ta chưa đủ điều kiện để tổng kết, phân tích, đánh giá để chuyển từ giải trình sang điều trần. Bây giờ mình phải cố gắng thực hiện thí điểm một thời gian rồi tổng kết đánh giá.
Hướng chung như hiện nay là Quốc hội đang cải cách đổi mới, nghiên cứu đưa ra cơ chế, làm sao tăng thêm vai trò vị trí. Và hiện nay Quốc hội đang khuyến khích Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội tăng cường phương pháp giải trình.
Ngay cả trước Quốc hội cũng đang thí điểm, áp dụng phương pháp chất vấn nhanh gọn, cụ thể và rất chi tiết. Vấn đề này, vừa qua đã làm thí điểm tại phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, và có thể sẽ áp dụng mô hình này trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới.
Qua đó sẽ thực hiện theo cách, đại biểu Quốc hội chỉ hỏi một câu và bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời ba phút câu hỏi đó. Rồi Quốc hội sẽ thảo luận về câu hỏi đó, vấn đề đó đến khi đi đến cùng vấn đề, khi đó mới chuyển sang câu hỏi khác, vấn đề khác. Như vậy để tránh tình trạng dồn quá nhiều câu hỏi, người ta không thể nhớ trả lời chi tiết được.
Uỷ ban Về các vấn đề xã hội đã đi tiên phong, thí điểm các phiên giải trình từ 10 năm trước, tuy nhiên thời gian gần đây có vẻ lại chìm xuống?
Chúng tôi đã làm đầu tiên việc tổ chức giải trình từ khóa XII và không phải ủy ban chúng tôi chìm xuống. Điển hình trong năm vừa qua, chúng tôi đã làm mấy cuộc giải trình rồi. Chẳng hạn như phiên giải trình về vấn đề nhà ở cho người có công, vấn đề giá thuốc, rồi vấn đề thông tuyến.
Sắp tới đây chúng tôi sẽ tiến hành một số phiên giải trình nữa, như vấn đề lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhưng không theo hợp đồng. Với những vấn đề nóng, được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm, chúng tôi tiến hành phiên giải trình ngay chứ không phải không làm.
Các nước điều trần chứ không giải trình
Nhiều người đặt vấn đề, với những vụ việc nóng bỏng bất chợt xảy ra như tình trạng cháy chung cư làm nhiều người chết, hay tình trạng thu phí BOT gây bức xúc trong nhân dân, tại sao lại không tổ chức ngay các phiên giải trình?
Đúng như vậy. Tôi nghĩ rằng, Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban của Quốc hội, khi xảy ra vấn đề nóng nào đó, nếu thuộc phạm vi chức năng, thẩm quyền của mình thì phải tiến hành ngay phiên giải trình, sẽ ra vấn đề luôn.
Cũng giống như vấn đề nhà ở cho người có công, chúng tôi tiến hành giải trình cái, có tiền ngay. Ở đây không có tính bắt buộc về pháp lý, nhưng tính tuân thủ sẽ tốt hơn và sẽ giải quyết vấn đề nhanh hơn. Như vấn đề cháy nổ, tại phiên họp vừa qua, vấn đề này cũng được nhiều ý kiến đề nghị nên giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hoặc Quốc hội giám sát tối cao.
Là uỷ ban đi tiên phong về vấn đề giải trình, ông có mong muốn sẽ sớm đưa ra quy định về điều trần?
Phải nói rằng, chính các phiên giải trình sẽ giải quyết vấn đề nhanh nhất, hiệu quả nhất, đơn giản nhất mà lại không xảy ra xung đột. Chúng ta tiến hành giải trình về những vấn đề đang khúc mắc, mà bản thân người giải trình cũng thấy thỏa mãn vì tìm ra được giải pháp. Có nghĩa là cả Quốc hội, Chính phủ tập trung xử lý, tôi nghĩ như thế là tốt.
Như đã phân tích ở trên, tôi đang mong muốn quy định trong pháp luật, phiên giải trình này phải trở thành điều trần. Như vậy sẽ thể hiện đúng bản chất, không sợ gì cả. Nghị viện các nước người ta làm điều trần chứ đâu có giải trình đâu.