Đánh dấu mạn đời

TP - Có một người chèo thuyền trên con sông lớn, giữa đường sơ ý đánh rơi thanh gươm. Người đó bèn vạch một dấu lên mạn thuyền tại vị trí thanh gươm bị rơi. Xong xuôi mới thả neo lặn xuống tìm. Nhưng biết đâu rằng trong khi mải đánh dấu lên mạn thuyền, thì sông vẫn chảy cuốn trôi con thuyền theo nó.

Hồ Chủ tịch trong chuyến thăm hữu nghị Hungary lần đầu tiên vào năm 1957 đã kể câu chuyện trên của người xưa. Để rồi Người đúc kết về những người lãnh đạo “muốn trị nước bằng những luật lệ và phương pháp đã quá lỗi thời. Thời gian trôi đi cũng như những con sóng trên sông, nhưng “thanh gươm” -những luật lệ - thì còn nguyên tại chỗ. Lãnh đạo như vậy sẽ gặp phải lắm vấn đề, và họ có làm gì đi nữa cũng vô hiệu, họ không thể tìm lại được “thanh gươm bị đánh mất”.

Thực tế cuộc sống đang có quá nhiều những kiểu “đánh dấu mạn thuyền” như vậy.

Luật Thuế thu nhập cá nhân vừa sửa đổi, nhưng phải đợi 2 năm nữa (2014) mới bắt đầu áp dụng. Và thay vì đưa ra một tỉ lệ % thích hợp tương quan với mức lương, để khi giá lên, lương lên thì thuế thu nhập cũng tự động điều chỉnh, thì cơ quan chuyên trách lại “đánh dấu” lên dòng chảy cuộc sống bằng cái mốc 6 triệu đồng. Nghĩa là đợi 2 năm nữa, thu nhập từ 6 triệu đồng trở lên bắt đầu phải đóng thuế thu nhập. Mà không cần biết rằng với đà lạm phát, giá cả phi mã hiện nay, liệu đến khi ấy 6 triệu đồng có đủ sống qua ngày hay không, nói gì đến nộp thuế.

Sau vụ cưỡng chế thu hồi đất tại Tiên Lãng (Hải Phòng), hàng triệu nông dân vừa tạm thở phào, khi hay tin đất nông nghiệp đang canh tác của mình sắp hết hạn sử dụng 20 năm (vào năm 2013) sẽ tiếp tục được gia hạn sử dụng thêm 20 năm nữa (đến năm 2033). Đây sẽ là một trong những nội dung trong Luật Đất đai 2003 đang được sửa đổi. Tuy nhiên, theo nông dân và các chuyên gia, vấn đề không phải là ghi mốc cụ thể bao nhiêu năm, mà phải xóa bỏ hẳn quy định về hạn điền và giao đất lâu dài cho nông dân. Như vậy mới giải quyết được tận gốc rễ, khuyến khích nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lớn trên mảnh đất của mình.

Trở lại với những chủ trương, nghị quyết “cấp tiến” của Đà Nẵng đang liên tiếp gây xôn xao dư luận. Chuyện Đà Nẵng nghĩ cho sâu, chính là ví dụ sinh động của luật lệ và dòng chảy cuộc sống. Người ta vẫn chỉ tranh cãi xem đó có đúng luật hay không, để chạy theo thổi còi bắt dừng lại. Mà không cần xem xét nó có những điểm gì hợp lý mang tính đột phá để điều chỉnh luật cho phù hợp thực tế quản lý vận hành đô thị trong một tương lai không còn xa.

Cuộc sống vốn là một dòng chảy vĩ đại và luôn biến đổi, thì không thể nào dùng những cái mốc bất biến để quản lý. Cũng như không thể lẽo đẽo chạy theo sau để đẽo gọt, đánh dấu kìm hãm nó cho vừa với tầm nhìn của mình. Trong quản lý, vận hành cuộc sống bằng luật, nếu không thể đi trước thì ít nhất cũng nên theo kịp.n

Theo Báo giấy