Đáng lo ngại

TP - Giá cả nông sản đã biến động mạnh trong thời gian qua. Đặc biệt là giá thịt lợn, tăng chóng mặt, tới 70-100%, giá gia cầm tăng 40-60%. Hiện mỗi kg thịt lợn tại Việt Nam có giá cao hơn Mỹ tới 30.000 đồng. Thế nhưng, những cán bộ chỉ đạo sản xuất trong lĩnh vực lại chỉ có những báo cáo chung chung theo kiểu tình hình không có gì bất thường, nguồn cung vẫn đảm bảo.

Đây là những số liệu được tổng hợp từ báo cáo của các địa phương gửi lên theo đúng quy trình xử lý văn bản hành chính.

Bức xúc trước những báo cáo thiếu thuyết phục của cấp dưới, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu lãnh đạo một số cục phải đóng ngay cửa phòng đi thực tế tại cơ sở. Ông Phát nói: “Cục Chăn nuôi đóng hết cửa phòng mà ra mặt trận. Lội xuống tận đồng, tận trại khảo sát xem vì sao người chăn nuôi không tái đàn? Muốn chăn nuôi tiếp họ cần cái gì. Đừng đi địa phương kiểu chỉ đến tỉnh rồi về. Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phải tìm hiểu bằng được giá rau tăng mạnh có đích xác do hệ lụy bão số 2 hay không? Có phải do nhập khẩu giảm hay không? Hay chỉ vì cung- cầu trong nước có vấn đề”.

Từ câu chuyện của Bộ NN&PTNT cho thấy, cách điều hành, chỉ đạo sản xuất dựa trên những số liệu thống kê hành chính, tầng nấc, đánh giá chủ quan của các địa phương sẽ không độc lập và sát thực tế. Điều này sẽ rất khó cho nhà quản lý, người đứng đầu đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia nông nghiệp, cách chỉ đạo kiểu tình thế, yêu cầu cán bộ đi kiểm tra một vài nơi cũng không thể có bức tranh toàn diện về thị trường. Cái thiếu hiện nay là một hệ thống thông tin rộng khắp, toàn diện, tức thời từ cơ sở và một bộ phận phân tích thị trường chuyên sâu. Vị chuyên gia này cho rằng, phải có một hệ thống quan sát sản xuất của hộ nông dân và một hệ thống dữ liệu, chuyên gia phân tích thường xuyên. Từ đó, mới có thể phản ứng nhanh trong điều hành, chỉ đạo sản xuất. Còn nếu như hiện nay, thiếu thông tin và thông tin không sát thực tế thì quả là đáng lo ngại.

Theo Báo giấy