Những DN này cần phải bị tẩy chay. Chúng ta không thể để tình trạng chây ì mãi được. Giá xăng dầu thì đã giảm rất nhiều nhưng một số doanh nghiệp cố tình không chịu giảm thì phải có giải pháp mạnh”.
Tính đến nay, thời hạn Thủ tướng Chính phủ chỉ thị phải giảm giá cước vận tải tương xứng với giá xăng dầu ngay trước Tết đã cận kề, ấy vậy mà vẫn còn quá nhiều DN làm ngơ. Tại các bến xe ở TPHCM vẫn còn 57/211 DN vận tải chưa giảm giá cước. Tại Hà Nội sau khi giá xăng dầu giảm sâu đến 40%, có tới hơn 60% hãng xe khách chưa giảm giá; khoảng 30/88 hãng taxi “nói không” với giảm giá cước (tính đến 28/1). Trên bình diện cả nước, hầu hết các DN vận tải chỉ giảm giá cho có từ 3-7%, thậm chí không ít DN còn đòi tăng giá, phụ thu dịp Tết.
Thông điệp mạnh mẽ nói trên của người đứng đầu ngành GTVT chắc chắn sẽ khiến những DN vận tải làm ăn chụp giật phải giật mình sợ hãi. Nếu Hội bảo vệ người tiêu dùng hưởng ứng thông điệp của Bộ trưởng GTVT, trực tiếp đứng ra kêu gọi tẩy chay một vài DN “nói không” với giảm giá, tin rằng hàng triệu người tiêu dùng cả nước sẽ biết dùng quyền của mình đúng lúc và đúng chỗ.
Tương tự câu chuyện của giá cước vận tải, giá sữa bột, sữa nước của một số nhãn hiệu cho người già và trẻ em tại Việt Nam cũng đang cao chót vót một cách bất hợp lý, bất chấp việc giá sữa bột nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh. Đầu vào một lon sữa bột, một hộp sữa tươi nguyên chất hay sữa tươi hoàn nguyên với đầy đủ các thành phần của nó, chắc rằng các cơ quan chức năng cũng có đủ điều kiện và khả năng để tính toán, thẩm định như với đầu vào của giá cước vận tải.
Nếu các cơ quan quản lý nhà nước, các vị tư lệnh ngành, lĩnh vực cũng vào cuộc quyết liệt vì quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, của xã hội như với giá cước vận tải hiện nay, hẳn mọi hàng hóa, dịch vụ sẽ buộc phải trở về đúng giá trị của nó trong một nền kinh tế thị trường vận hành đúng quy luật.