Kì 1: Khi yêu thương là sức mạnh
Tiếng chuông điện thoại réo liên tục, vẫn là những thông báo có bệnh nhân COVID-19 nặng cần chuyển từ tuyến dưới lên. Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, khoa Hồi sức tích cực (ICU) Bệnh viện Thanh Nhàn chưa kịp ngơi tay sau một lượt kiểm tra tình trạng gần 60 bệnh nhân nặng lại sẵn sàng tiếp nhận những ca mới…
Họ nằm đó, những thân hình bất động, đôi mắt nhắm nghiền, cảm giác sự sống được nhận ra qua nhịp tim chạy trên màn hình của thiết bị theo dõi chứ không phải bằng hơi thở từ lồng ngực đang bị virus SARS-CoV-2 âm thầm tàn phá từng phế nang phổi.
Vóc dáng nhỏ bé, Hoa lọt thỏm trong bộ đồ bảo hộ, thoăn thoắt di chuyển giữa các giường bệnh để theo dõi sức khỏe từng bệnh nhân mà cô được giao phụ trách. Đã ba tuần nay cô cùng đồng nghiệp kiên trì, nhẫn nại tự vượt qua chính mình để giành giật sự sống cho những bệnh nhân nặng. Chưa bao giờ nơi cô công tác lại chứng kiến sự quá tải và những khó khăn như lúc này. Khu vực ICU chỉ có 5 bác sĩ và 14 điều dưỡng nhưng số bệnh nhân nặng chỉ tăng chứ không giảm. Những ngày gần đây giường bệnh luôn chật kín bệnh nhân. Bác sĩ xoay như chong chóng xử lí các tình huống cấp cứu bệnh nhân trở nặng, không đêm nào không có những bất ngờ xảy đến.
Hỏi cô nghỉ ngơi lúc nào, đáp lại là tiếng thở dài nén tận sâu nơi lồng ngực. “Có những lúc cảm giác mình sắp ngất đi, mệt mỏi, thời gian làm việc liên tục, không ít ngày cao điểm, cả nhóm làm việc gần như 24/24 giờ”, Hoa nói bằng cảm giác như không tin mình và đồng nghiệp đã và đang đi qua áp lực kinh khủng đến thế.
Chăm sóc bệnh nhân hồi sức thông thường đã vất vả, với bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch thì những khó khăn còn nhân lên bội lần bởi họ đều là những người cần hỗ trợ toàn diện trong sinh hoạt và điều trị bệnh. Với 10 bệnh nhân thở máy, có những bệnh nhân 80-90 tuổi phải thở ô xy mask liều cao, tâm lí không muốn ở bệnh viện, không chịu hợp tác, gây khó khăn với nhân viên y tế. Vài ngày trước khu vực ICU tiếp nhận bệnh nhân nữ bị béo phì, đái tháo đường nhập viện trong tình trạng nồng độ ô xy chỉ còn 60%. Đây là một trường hợp đặc biệt vì bệnh nhân bị thiểu năng trí tuệ. Dù 37 tuổi nhưng nhận thức của bệnh nhân chỉ như trẻ lên 5, lên 7 tuổi. Không ai thuyết phục được bệnh nhân thở ô xy, càng không cho lấy máu xét nghiệm và dùng thuốc. Bệnh nhân liên tục phản ứng, nhiều người giữ cũng không thể lấy máu để làm xét nghiệm được. Tình thế lúc này vô cùng nguy cấp vì nồng độ ô xy của bệnh nhân xuống thấp, nếu kéo dài thời gian không hỗ trợ thở ô xy bệnh nhân sẽ gặp nguy kịch…
Bất chợt nảy ra ý định, bác sĩ Hoa gạt mọi người ra, cô thủ thỉ với bệnh nhân như với con nhỏ, cô hứa mua kẹo, mua bim bim và sẽ đưa bệnh nhân đi chơi nếu chịu thở ô xy, uống thuốc xong sẽ xinh đẹp, thông minh để làm bác sĩ, làm cô giáo. Nhìn nụ cười có gì đó ngô nghê của nữ bệnh nhân cùng cái gật đầu đồng ý, Hoa bảo cảm giác lúc ấy trút được gánh nặng, mừng rơi nước mắt bởi nếu chậm trễ có thể cô và đồng nghiệp sẽ không giữ được tính mạng bệnh nhân…
Không phân biệt ngày - đêm
Bệnh viện Thanh Nhàn là bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội về điều trị COVID-19. Với 250 giường dành cho bệnh nặng, những ngày này luôn trong tình trạng kín bệnh nhân, các bác sĩ phải luân chuyển ca nặng hơn lên tuyến trung ương để có chỗ tiếp nhận thêm. Có những ngày kíp trực của bác sĩ Hoa tiếp nhận 15 bệnh nhân mới, đồng nghĩa với việc phải chuyển đi những ca nặng nhất lên tuyến trên, hôm nào may mắn thì có bệnh nhân nặng được xuất viện.
Áp lực lúc đầu gây sợ hãi, giờ đã không còn làm khó những bác sĩ như Hoa. Nhưng không thôi ám ảnh trong cô khi nhận tin báo chuẩn bị đón bệnh nhân COVID-19 nặng kèm bệnh lí nền nhưng chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. “Em đã chứng kiến nhiều bệnh nhân nặng tử vong, gần như họ đều không tiêm vắc xin, có bệnh nền. Không tiêm vắc xin lại có đái tháo đường thì bệnh nặng lên gấp nhiều lần, khó qua khỏi do phổi bị tổn thương rất nặng. Thực sự ám ảnh”. Tôi nghe giọng Hoa nghẹn lại.
Một trong những ca bệnh nặng nhất đang điều trị tại bệnh viện là một bệnh nhân nam, 86 tuổi, có tiền sử bệnh lí nền tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, suy thận và chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân suy hô hấp phải đặt ống nội khí quản thở máy. Hiện ông đang phải lọc máu liên tục và xuất hiện tình trạng bão Cytokines nhưng vì suy gan, suy thận nên không thể điều trị bằng thuốc kháng virus. Với số lượng bệnh nhân nặng, nguy kịch quá đông so với lực lượng nhân viên y tế nên họ gần như không có thời gian đủ dài nghỉ ngơi để tái tạo sức lực.
Phần lớn bệnh nhân cần liên tục có người theo dõi nên 5 bác sĩ và 14 điều dưỡng phải căng mình gánh việc, mỗi người làm 8-10 tiếng liên tục, quên thời gian, nhiều khi đồng nghiệp phải gọi ra thay ca vì sợ quá sức lại ngất trong phòng bệnh nhân. Khái niệm ngày - đêm dường như không tồn tại ở đây bởi công việc liên tục cuốn họ vào guồng quay. Chỉ đến khi có những lúc cảm thấy như thiếu ô xy muốn ngất mới nhận ra cần phải dừng lại để có sức mà tiếp tục cố gắng…
Hà Nội những ngày này nắng có khi vàng ruộm phủ lên cái lạnh se se, bất giác tiếng còi xe cứu thương xé tan khoảng lặng, ngó thấy những bóng người khoác trên mình bộ đồ bảo hộ màu xanh, màu trắng kín mít mới cảm thấy bình yên chưa lúc nào mong manh đến thế. Những người như bác sĩ Hoa đã lâu rồi không cảm nhận được tiết trời Hà Nội đang đẹp đến nao lòng… (Còn nữa)
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Bệnh viện Thanh Nhàn chia sẻ, với ca điều trị ở tầng 2 công việc của bác sĩ và điều dưỡng đơn giản hơn rất nhiều. Nhưng những bệnh nhân ở tầng 3 thì cần phải có nhân sự rất lớn. Bởi chăm sóc một bệnh nhân thở máy phải đòi hỏi có ca kíp, phải được đào tạo hồi sức. Tất cả các bác sĩ ở các chuyên ngành phải đào tạo lại, cập nhật thêm các kiến thức về dịch bệnh COVID-19.