Tuy nhiên, trái ngược với lượng tiền gửi vào ngân hàng gia tăng, tiền cho vay của các ngân hàng đang “nhỏ giọt” với dấu ấn tăng trưởng tín dụng ở mức “đáy” 10 năm qua.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, 25% hội viên trong tổng số gần 800.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước đang có nhu cầu vay vốn. Đồng nghĩa có khoảng gần 200.000 đơn vị cần tiền để trả lương, đáo nợ và cả để trả tiền cho nhân viên, duy trì hoạt động, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp ở Hà Nội cho biết, sau nhiều tháng cầm cự, từ một tháng qua, doanh nghiệp đã có đơn hàng trở lại nhưng lại rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi không còn vốn để nhập nguyên phụ liệu sản xuất. Để vận hành, doanh nghiệp đi vay ngân hàng thì bị từ chối do không có tài sản đảm bảo. Kho xưởng, máy móc, xe ô tô, cái gì có giá trị để thế chấp vay ngân hàng, doanh nghiệp đã dùng hết. Cực chẳng đã, ban lãnh đạo công ty phải huy động từ người thân và đủ các mối quan hệ xã hội và một phần "vay nóng" để có tiền đưa vào kịp sản xuất, trả đơn hàng. Cũng không thể trách ngân hàng khi ai dám ký cho vay chỉ bằng lòng tin (tín chấp) mà không có tài sản đảm bảo. Doanh nghiệp chỉ cần sểnh chân, người đặt bút ký cho vay chắc khó thoát cảnh kỷ luật, thậm chí đối diện án hình sự.
Hiện doanh nghiệp gặp khó một, ngân hàng cũng "mắc kẹt" gấp đôi khi phải chịu mức lãi suất huy động cao từ cuối năm 2023 đến hết quý 1 vừa qua. Lãi suất huy động đầu vào cao và hầu hết các ngân hàng khẳng định sẵn sàng giảm lợi nhuận để tính lãi suất cho vay đầu ra ở mức hợp lý. Cả doanh nghiệp và ngân hàng đều hiểu nguyên lý: Thà lợi nhuận thấp còn hơn ôm hàng triệu tỷ đồng huy động và không cho vay được. Nhưng thế khó phát sinh khi doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, hơn bao giờ hết, bối cảnh kinh tế khó khăn như thế này, ngân hàng và doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau. Lối thoát duy nhất là ngân hàng thương mại cần đặt mình vào doanh nghiệp để thấy doanh nghiệp khó khăn ra sao và ngược lại. Cùng đó, ngân hàng cũng cần mạnh dạn cho vay bằng hình thức tín chấp hay thế chấp, quản lý dòng tiền... nếu thẩm định dự án của doanh nghiệp có hiệu quả. Chỉ khi bước qua được lằn ranh của việc dám chịu trách nhiệm, mới có thể giải bài toán bế tắc trong quan hệ "cộng sinh" với doanh nghiệp – ngân hàng hiện nay. Ngoài ra, cùng với hạ lãi suất, ngành ngân hàng cần xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất – kinh doanh. Có nguồn vốn, như máu chảy trong cơ thể, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mới trơn tru, hiệu quả.