Công nhân xây dựng “bán thân“ rẻ mạt

Tốc độ đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn diễn ra hằng ngày, rất cần đội ngũ đông đảo công nhân xây dựng và thợ phụ. Cùng sự tăng nhanh của nhà cao tầng, chung cư, các khu đô thị, thì nỗi vất vả của người làm xây dựng cũng cuốn theo.

> Nguy hiểm nghề đào giếng thuê
> 'Thân cò' mưu sinh trong giá rét

Nhọc nhằn một thứ nghề

Quá trưa, những người công nhân ở khu vực công trường Times City trên phố Minh Khai (Hà Nội) mới thất thểu bước từng bước nặng nề về nhà trọ cách đó chừng một cây số. Khuôn mặt ai cũng lem luốc, nhễ nhại, quần áo cũ rách, xộc xệch, đen đúa.

Một công nhân chia sẻ, họ là những người ở Thái Bình lên tìm việc. Vài ba hôm trước còn đứng ở chợ lao động, hôm nay được “nhà thầu” gọi đến để phụ giúp. Nhiệm vụ của họ là trộn vôi vữa, xi măng, đãi đá, phu hồ, chuyển gạch... nói chung là những việc đơn giản nhưng tốn sức lực.

Để nhanh tiến độ, chủ công trình thuê công nhân, chia nhau ra để làm ba ca một ngày. Có những ngày trời nắng, phải phơi nắng suốt gần mười tiếng đồng hồ, người như bị nướng. Còn lúc này là mùa đông, ở trên cao, gió lộng, rét run nhưng không được mặc quần áo phồng vì vướng víu.

“Làm mệt đến quắt người lại, biết là khổ nhưng chúng tôi đành phải chịu đựng chứ biết làm thế nào được. Cũng làm công nhân, bạn bè tôi nhiều người còn bị đẩy nay đây mai đó vì thời buổi khó khăn, chủ thuê chúng tôi không có tiền trả đành phải chạy vạy khắp nơi tìm việc khác…”, công nhân tên Nguyễn Văn Đăng tâm sự.

Tại một công trình sửa chữa nhà ở quận Hà Đông, anh Phạm Văn Tuấn (43 tuổi, quê Xích Thổ, Nho Quan, Ninh Bình) chia sẻ về nỗi cực nhọc của nghề xây dựng.

Là người có thâm niên 15 năm trong nghề, vất vả, đi khắp nơi, ăn ở lán trại, thậm chí ở ngay tại công trường bẩn thỉu, hôi hám, thiếu đủ mọi thứ chỉ để có tiền gửi về đỡ vợ nuôi con. Đi nhiều cũng đã mỏi chân, anh Tuấn ước có thể được làm việc ổn định ở một công ty nào đó nhưng không được.

“Nhà 4 con, vợ làm ruộng, giờ tiền công mỗi ngày được 100 ngàn, tuy rẻ mạt nhưng nếu chủ họ trả sớm còn đỡ, chứ bị ăn quỵt thì khổ lắm. Rét mướt, mưa gió vẫn phải đu mình ở trên giàn giáo, như người ta nướng thịt. Nói chung đã xác định làm nghề thì phải chịu đựng cho thật tốt”.

Cùng nhóm với anh Tuấn còn có chị Mùi, anh Hạnh. Anh Hạnh người nhỏ thó, mấy người kia thường gọi anh là “Hạnh kẹo”. Vậy nhưng anh nhanh như con sóc, leo lên leo xuống băng băng. Chị Mùi và anh Hạnh cũng quê ở Xích Thổ, Nho Quan. Tất cả tạo thành một nhóm nay đây mai đó theo công trình. Những công nhân này chia sẻ, từ đầu năm đến nay họ đã phải bỏ nhiều công trình, do chủ không trả tiền hoặc phải rất lâu sau mới thanh toán được chút ít tiền công.

Chị Mùi cho biết, nhà anh Hạnh nghèo lắm. Vợ yếu mà đẻ đến năm đứa con nheo nhóc, một năm hai vụ cấy, thóc bán đi không đủ cho sinh hoạt gia đình. Anh Hạnh phải theo một nhóm người chuyên đi... bán sức ở thành phố Ninh Bình. Sau này ít việc, vất vả mà thu nhập chẳng được bao nhiêu nên phải tìm cách ra Hà Nội.

Cuộc sống không bình yên

Tại các công trình xây dựng lớn thường có khẩu hiệu: “AN TOÀN LÀ BẠN, TAI NẠN LÀ THÙ”. Vậy nhưng tai nạn lao động vẫn thường xuyên xảy ra. Đây là một thực trạng rất phổ biến. Công trình càng lớn thì độ nguy hiểm càng cao. Mũ cứng chẳng có, đầu trần phơi mưa nắng. Nhiều thợ phó mặc mạng sống của mình trên những tấm cốp- pha mỏng dính, đu mình với sợi dây thừng trên độ cao hàng chục mét, bán cả mạng sống với giá “chục nghìn”…

Trong năm 2012, ở Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn lao động: Ví như vụ sập giàn giáo tại Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông - Hà Nội) ngày 21/2 đã khiến một người tử vong và bốn người bị thương. Tối 3/8, tại tầng hầm công trình VP3 bán đảo Linh Đàm, Công an phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã phát hiện thi thể của hai người đàn ông.

Đó là anh Bùi Quang Vinh (sinh năm 1964) và Bùi Văn Trình (sinh năm 1964), đều quê ở xóm Đồi 2, Ngọc Lương, Yên Thuỷ, Hoà Bình. Hai anh là công nhân làm thuê ở đây. Công an quận Hoàng Mai đã xuống hiện trường, khám nghiệm. Bước đầu đã xác định hai người này chết do tai nạn lao động.

Chiều 2/8, tại nhà ông Nguyễn Như Quân (sinh năm 1955, ở Văn Tinh, Xuân Canh, Đông Anh) xảy ra vụ tai nạn lao động sập giàn giáo trong khi xây nhà. Hậu quả làm anh Hoàng Hồng Pho (sinh năm 1971, ở Văn Thượng, Xuân Canh, Đông Anh) tử vong tại chỗ, anh Nguyễn Văn Hồng (sinh năm 1971, ở Văn Thượng, Xuân Canh, Đông Anh) bị thương nặng, phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức.

Ở nhiều công trường khác cũng xảy ra những cái chết thương tâm chủ yếu là thợ hồ rơi giàn giáo, gạch rơi trúng đầu, điện giật... Những cái chết đó được chủ thầu “giấu nhẹm” đi rồi đưa ra những thoả thuận miệng để sự việc chìm vào im lặng. Nhiều chủ công trình “bịt miệng” người nhà với "giá" 30-40 triệu đồng gọi là tiền “phí hỗ trợ mai táng”.

Nguyên nhân chủ yếu được xác định do người sử dụng lao động vi phạm các vấn đề về an toàn lao động, chiếm tới 75,02% số vụ tai nạn được thống kê. Con số này thể hiện việc chưa tuân thủ an toàn lao động, vệ sinh lao động của chủ doanh nghiệp.

Nhiều công nhân tự phát thiếu trình độ xây dựng, chỉ cần có việc, có tiền và lấy đó làm hạnh phúc, do đó họ không có điều kiện bảo vệ mình. Luật Lao động quy định rất rõ là doanh nghiệp sử dụng lao động có hợp đồng 3 tháng trở lên, người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội. Thế nhưng với cách lao động, làm việc kiểu “tin nhau là chính” thì việc đóng bảo hiểm xã hội đối với thợ xây dựng công trường xem ra chỉ là chuyện xa vời.

Cạm bẫy rình rập

Công nhân rời quê hương đi làm việc theo công trình liên miên, xa vợ con, gia đình, không có sự cai quản, cuộc sống chỉ quanh quẩn bên sắt thép, bê tông... nên dễ bị sa ngã, bị những thanh niên xấu lôi kéo, dẫn đến con dường nghiện hút. Đôi khi họ lại “đi xả hơi”, “đi cho biết”... dẫn đến các tệ nạn mại dâm, trộm cắp, cờ bạc... để có tiền.

Nguy hiểm luôn rình rập những công nhân xây dựng.

Vì là những người ở quê ra, thậm chí không có giấy tờ, nay đây mai đó, chẳng đăng ký tạm trú tạm vắng nên khi xảy ra sự cố cơ quan công an rất khó truy tìm. Để đề phòng một số điều có thể xảy ra, một số ông bố bà mẹ lo xa, cho con đi làm nhưng gửi đi cùng với người lớn tuổi, nhờ họ quản con mình. Tuy nhiên, điều này là rất khó, bởi người lớn chỉ nói được phần nào. Đó là chưa kể đến chuyện người lớn a dua cùng thanh niên, chú rủ cháu cùng đi chơi.

Vất vả, nhiều rủi ro, nhiều tai nạn rình rập là những thứ thật sự ám ảnh công nhân. Thế nhưng vì cuộc sống, họ phải chấp nhận tất cả những cơ cực, cay đắng đó. Họ trông đợi Luật lao động quy định chặt chẽ hơn, được đóng bảo hiểm xã hội, được chủ thầu đối xử tốt hơn.

Bao giờ hàng vạn công nhân có quyền lợi, có chế độ, tương xứng với sức lực họ bỏ ra?.

Theo Sơn Bình
Pháp luật Việt Nam

Theo Đăng lại