Cộng điểm vào đời

TP - Anh chàng thủ khoa kép đứng đầu cả nước về điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia cả hai khối A và B, nhưng đến thời điểm này đã tụt xuống vị trí 34 trong bảng tổng sắp thí sinh xét vào ngành Bác sĩ đa khoa của Đại học Y Hà Nội. Xếp phía trên chàng đương nhiên là các bạn được cộng thêm điểm ưu tiên, điểm khuyến khích.
Ảnh minh họa

Có người được cộng tới...6,5 điểm! May mà chỉ tiêu đầu vào khoa này còn khá dồi dào, chứ không thi ba môn đạt tới 29,75 điểm, mà lại... rớt đại học thì quá “kinh dị”! 

Chỉ còn mấy ngày nữa là kết thúc xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học, cao đẳng theo phương án mới, nhưng câu chuyện cộng điểm ưu tiên vẫn đang sôi động trên các diễn đàn.

Chủ trương cộng điểm ưu tiên–khuyến khích cho vùng miền, gia đình chính sách, thành tích thi học sinh giỏi và các môn năng khiếu văn thể mỹ… đã có từ lâu ít nghe ai nói, sao đến giờ mới ồn ào? Có lẽ bởi với phương thức thi và xét tuyển cũ, hầu như điểm của ai nấy biết. Còn nay đổi mới thi cử, bảng điểm chi tiết và sự chèn lấn, hoán đổi liên tục các vị trí thứ hạng được phơi trên mạng của các trường. Thí sinh như chơi chứng khoán, liên tục cập nhật để còn kịp tháo chạy khi bị rơi vào tốp dưới, rút/nộp hồ sơ sang ngành/trường khác. Trong cuộc so kè từng 0,25 điểm, lại có người được cộng thêm một lúc cả 5-6 điểm, sao không sốc ?!

Nhưng, đời là vậy, thành quả có được là nhờ quá trình tích lũy và cố gắng. Đại học số 1 thế giới Harvard (Mỹ), xét tuyển không chỉ nhìn vào điểm số, mà còn luôn tìm chọn, ưu ái những học sinh có năng khiếu văn nghệ, thể thao, hoạt động xã hội, diễn thuyết… Bởi vậy, nhiều trường hợp điểm số thấp hơn vẫn được chọn vào Harvard. Đó cũng là một cách “cộng điểm ưu tiên” không thể phàn nàn.  

Tuy nhiên, cộng điểm là để tiếp tục học lên, chứ không hẳn đã vào đời. Chỉ kết quả sau quá trình học tập, rèn luyện, nghiên cứu mới khẳng định được giá trị đích thực.

Cộng điểm để tạo cân bằng xuất phát điểm cho những ai ở vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh khó khăn được vào những trường đại học danh giá, xứng với học lực của mình. Chỉ sợ đến khi ra tốt nghiệp ra trường, chủ nhân của những tấm bằng danh giá được đánh đổi bằng chuỗi dài khổ luyện này lại trở về với “trật tự” cũ, bị xếp xó, hoặc dạt trở lại vùng xa vùng sâu. Nhường những vị trí công việc vốn cần đến tài năng thực sự cho những ai đó học hành lem nhem, nhưng có tiền bạc và quan hệ. 

Cộng điểm để vào đời. Nhưng một nền giáo dục thành công, đó là khi ra đời, con người ta luôn biết trừ, biết chia. Biết hy sinh cá nhân, nhường nhịn sẻ chia cho xã hội, cộng đồng, chứ không phải chỉ chăm chăm vun quén, vơ vét cho riêng mình.

Và cuối cùng, nhìn lại từ xưa đến nay, con người hơn nhau, được người đời tôn phục ghi nhớ, cũng chỉ từ chỗ biết trừ, biết chia, biết nghĩ về người khác.