“Một cửa” trong thủ tục hành chính:

Còn tình trạng “nay bổ sung cái này, mai yêu cầu cái khác”

TP - “Như Thủ tướng nhiều lần đã nói, không thể “ngứa ở đầu mà đi gãi chân”. Nếu “ngứa đầu mà gãi chân” thì dân sẽ đánh giá điểm rất xấu”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nói tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính ngày 29/8.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện nay chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tuy đã được cải thiện, nhưng ở nhiều nơi, nhiều địa phương mức độ còn thấp, khiến dân phải đi lại nhiều lần. Thậm chí có tình trạng cán bộ giải quyết TTHC cứ “nay nói bổ sung cái này, hôm sau lại yêu cầu bổ sung cái khác”, gây bức xúc cho người dân.

“Chính phủ kiến tạo cần tập trung xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, thay dần tư duy quản lý sang một nhà nước lấy người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ, nỗ lực tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn”, ông Dũng nhấn mạnh.

Từ đó, ông Dũng khẳng định, việc xây dựng nghị định làm cơ sở pháp lý thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông là hết sức cần thiết. “Như Thủ tướng nhiều lần đã nói, không thể “ngứa ở đầu mà đi gãi chân”. Nếu “ngứa đầu mà gãi chân” thì dân sẽ đánh giá điểm rất xấu, mà điểm xấu liên tục thì các cơ quan công quyền, người dân trong và ngoài nước sẽ đánh giá được chất lượng làm việc của bộ này tốt hay không tốt”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Ông Dũng cũng cho biết, thời gian qua, VPCP đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ công chức. “Anh cứ báo cáo làm tốt nhưng cũng có những hồ sơ thấy bộ, ngành, địa phương chuyển lên mà chuyên viên “để quên”. Nếu mắc 2 lần như vậy sẽ điều chuyển công tác”, ông Dũng nói và lưu ý vẫn có những chuyên viên dùng “xảo thuật” để đánh lừa lãnh đạo, tuy nhiên, những “lắt léo” này đều được thấy hết.

Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình Quản trị của Oxfam tại Việt Nam cho rằng, việc người dân được phản hồi về chất lượng dịch vụ hành chính công sẽ trở thành động lực mạnh mẽ giúp thay đổi thái độ, hành vi của cán bộ hành chính và chất lượng dịch vụ. Điều này cũng tạo ra thay đổi theo hướng là đơn vị cung cấp dịch vụ thì phải làm hài lòng khách hàng, thay vì là đơn vị áp đặt quyền lực như trước đây.