Ma trận thủ tục hành chính: Doanh nghiệp kêu trời

Nhiều start-up đã phải bỏ cuộc vì thủ tục hành chính.
Nhiều start-up đã phải bỏ cuộc vì thủ tục hành chính.
TP - Nhắc đến thủ tục hành chính, hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều… rùng mình. Có trăm ngàn câu chuyện mà chẳng ai giống ai, chung quy là họ đều bị gây khó khăn, phiền hà… thậm chí, dập tắt luôn ý định khởi nghiệp, kinh doanh.

“Hành” từ dấu chấm, phẩy

Anh Nguyễn Minh Trí - Giám đốc công ty Việt House (quận 2, TPHCM) vốn là kiến trúc sư, tích cóp được một số vốn kha khá để lập nghiệp. Thế nhưng khi anh Trí tiến hành làm hồ sơ đăng ký thành lập DN, chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh anh mới thấy được nỗi gian truân. “Hồ sơ của tôi bị giam rất lâu. Nhiều lần bị trả đi trả lại chỉ vì sai dấu chấm, dấu phẩy” - anh Trí cho hay. Tưởng chỉnh sửa là xong, ai ngờ, khi đăng ký sở hữu trí tuệ tên công ty, trong đó có từ “house” (nhà). Tuy nhiên, cơ quan cấp quyền sở hữu trí tuệ cho rằng có một công ty khác cũng lập tên DN có từ “home” rồi. “House” và “Home” trong tiếng Anh đều có nghĩa là nhà, theo đó không được đăng ký. Phải rất trầy trật, nhờ vả ngược xuôi và nhiều kiểu khác, một năm sau thủ tục mới hoàn tất”- anh Trí thở dài.

Nhắc đến thủ tục hành chính, ông Lý Thành Sinh - Giám đốc công ty CP may thêu Minh Long Hưng (Q.9) rất bức xúc. Ông cho biết, BHXH có phần mềm điện tử nhưng cũng không đơn giản. “Cơ quan này yêu cầu DN kê khai BHXH qua mạng. Hệ thống mạng trục trặc, BHXH yêu cầu DN kê khai bằng giấy, chờ cán bộ xuống lấy. Vài ngày sau không thấy phản hồi, DN gọi điện thoại hỏi thì được trả lời là mạng đã hoạt động, giấy kê khai lần trước bỏ và DN phải kê khai lại từ đầu! Cứ như vậy, suốt từ tháng 5/2016 đến giờ, DN vẫn phải “chạy theo ông bảo hiểm”. Cử hẳn một nhân viên chuyên “theo” xử lý nhưng cũng không ăn thua, DN đành nhờ một luật sư và đến giờ 10 phần mới được 8 phần. Nếu bảo hiểm không thông sẽ ách lại ở các dịch vụ y tế. Theo đó, các chế độ công nhân nghỉ thai sản, nghỉ bệnh vô cùng cực khổ” - ông Sinh bày tỏ.

Mới đây, ông Sinh cũng nhen nhóm ý định mở chi nhánh ở Cần Thơ nhưng bị nơi này “hành” đến nỗi phá sản dự án từ trong… trứng nước. “Ở các tỉnh, việc xin giấy phép thành lập DN cực kỳ khó khăn. Mỗi người giải thích mỗi kiểu, những gì mình chưa biết, chưa hoàn thiện cũng không được hướng dẫn một lần mà cứ lần lượt từng cái một. Khi thấy khó quá, chỉ mới đeo đuổi được 3 ngày tôi quyết định… buông, nhưng nơi này vẫn đòi quyết toán thuế. Thế là mất cả tháng sau tôi mới được giải thể chi nhánh, dù chưa hoạt động ngày nào” - vị giám đốc chán nản.

Start-up cũng… chết dở

Ông Nguyễn Quốc Toán - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tiến Việt Thái (Q. Tân Bình) cho biết, trong thời điểm giá thực phẩm xuống đáy, chúng tôi đẩy mạnh việc ứng dụng sản phẩm sạch trong chăn nuôi. DN đã xin được vốn tài trợ lớn từ Pháp để đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm thay thế thuốc kháng sinh. DN phải đăng ký với Bộ NN&PTNT, trải qua 17 tháng và sau khi DN phải trực tiếp gửi công văn cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thì vướng mắc của dự án mới được xử lý. Tuy nhiên, thời gian đó là quá dài đối với đối tác Pháp nên họ đã không chấp nhận và DN lại phải làm lại từ đầu.

Anh Lê Minh Hồng Phúc - Giám đốc tiếp thị Công ty Tôi là V (kinh doanh sản phẩm tỏi đen) kể, dù công ty không bị làm khó nhưng các quy định thủ tục quá phức tạp dẫn tới việc phải đi lại nhiều lần để chỉnh sửa. Để sản phẩm ra thị trường, công ty phải mất 3 tháng để hoàn tất các thủ tục đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, công bố chất lượng. Do tỏi đen là sản phẩm mới, được xếp vào nhóm “thực phẩm khác chưa phân vào đâu”, chưa có quy chuẩn cụ thể nên càng bị rối.

Anh Võ Phước Tống (32 tuổi) đành gác lại ước mơ khởi nghiệp cũng bởi thủ tục quá nhiêu khê: “Tôi có ý định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, thủ tục kiểm hóa rất rắc rối và nhiêu khê. Tôi vay mượn tiền bạc, nhập máy tiền tỷ từ nước ngoài. Đến hải quan yêu cầu kiểm hóa, đòi phải đập thùng container rồi đem đi giám định xem các thiết bị của máy này có đồng bộ với nhau không. Cuối cùng tôi đành chào thua vì nếu đem đi kiểm định thì phải chờ không biết đến bao giờ, còn nếu biết điều thì xong ngay. Vậy là đành bỏ cuộc luôn!”.

Dài cổ chờ  giấy “tiếp nhận hợp quy”

Theo Nghị định 38 của Bộ Y tế quy định giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy phải được cấp trong vòng 7 ngày, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết để nhận được tấm giấy này, họ phải mất đến 3 tháng hoặc lâu hơn. Ông N.V.T - giám đốc một doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại TPHCM kể, sản phẩm sau khi kiểm nghiệm đạt chất lượng theo quy định, cuối tháng 11/2016, ông nộp hồ sơ xin giấy tiếp nhận hợp quy tại Cục ATTP (Bộ Y tế) với đầy đủ giấy tờ và được tiếp nhận.

Nhưng sau một tháng, Cục ATTP gửi công văn yêu cầu doanh nghiệp này bổ sung hồ sơ. Sau khi bổ sung, tháng 2/2017 Cục ATTP lại gửi công văn yêu cầu bổ sung lần thứ 2. Và đến tháng 3/2017, doanh nghiệp này lại nhận được công văn của Cục ATTP yêu cầu bổ sung lần 3. Đến cuối tháng 4/2017, sau khi bổ sung đầy đủ hồ sơ cả ba lần như yêu cầu, doanh nghiệp này mới được Cục ATTP cấp giấy tiếp nhận.

“Chúng tôi đã mất tổng cộng hơn 4 tháng mới xin được tờ giấy tiếp nhận hợp quy, dù sản phẩm đã có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng theo quy chuẩn khi nộp hồ sơ” - giám đốc doanh nghiệp này bức xúc nói.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.