Còn đó lời thề

TP - Khởi động đầy ý nghĩa vào ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 có lẽ là dự án đưa 500 bác sĩ trẻ tình nguyện về 62 huyện nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa và khó khăn để giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ làm người dân các vùng khó khăn trông đợi.

> Tổng Bí thư thăm Bệnh viện K, Bệnh viện Nhi
> Nữ thầy thuốc có nhiều đóng góp cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng
> Một ngày thường của thầy thuốc

Trong khi các bác sĩ ra trường vẫn mong muốn có một chỗ ở các thành phố lớn để vững vàng cuộc sống thì những bác sĩ khác lại muốn dấn thân về vùng khó.

Nhiều bác sĩ trẻ chúng tôi gặp ở các trường đại học tại TPHCM mấy hôm nay đã viết đơn tình nguyện, dù bố mẹ họ đã sắp xếp cho mình chỗ ngon lành ở các bệnh viện lớn tại thành phố. Có lẽ tiền bạc và danh vọng không phải là mục đích mà những bác sĩ trẻ này mong đợi.

Nguyễn Hoàng Anh, một bác sĩ vừa ra trường mà chúng tôi gặp trong ngày kỷ niệm thầy thuốc vào hôm qua, nói rằng. “Nếu học với ước mong làm giàu thì em đã không chọn nghề bác sĩ. Em muốn cống hiến sức trẻ của mình vì ở đó có những người bệnh nghèo đang cần bàn tay của bác sĩ chăm sóc”. Hoàng Anh không phải là ngoại lệ.

Nhưng liệu những hình ảnh blouse trắng ấy có trụ vững khi ngành y tế đang từng ngày đối mặt với thương mại hóa. Vẫn còn nhiều bác sĩ giữ được cho mình một tấm gương về hình mẫu y đức.

Từ chối nhận phong bao của bệnh nhân, săn sóc người bệnh như chính những người thân của mình và lúc nào cũng “hành nghề trong sự vô tư và thân thiết nhất” như lời vị tổ sư của ngành răn dạy.

Nhưng cũng không ít bác sĩ đã đi ngược lại với lời thề Hippocrates mà họ buộc phải đọc thuộc trong ngày tốt nghiệp ra trường.

Đâu đó, vẫn có bác sĩ bị phàn nàn thiếu trách nhiệm để người bệnh tử vong. Đâu đó vẫn xảy ra những bác sĩ vì chút lợi ích tiền tài mà vòi vĩnh trên thân xác người bệnh, ăn chia hoa hồng với các hãng dược.

Những nhức nhối ấy đang trở thành nỗi hổ thẹn của ngành y để rồi mới đây người đứng đầu Bộ Y tế buộc phải lên tiếng “mong thân nhân người bệnh quay phim, chụp hình những bác sĩ, y tá nhận phong bì” để mình xử lý.

Có thể là “con sâu làm rầu nồi canh” để rồi ngành y nhiều nơi phải răn dạy lại những vị lương y của mình. Nhưng khi mà sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân đang bị thương mại hóa, hàng nghìn bác sĩ vẫn chưa sống nổi với đồng lương còn hạn hẹp của mình, họ phải chạy đôn chạy đáo để lo cho cuộc sống thường ngày, chuyện vi phạm lời thề âu cũng là điều dễ thấy.

Có bác sĩ phải khám bệnh nơi này, chạy sô mổ nơi kia; nhiều bác sĩ mỗi ngày phải khám cho hàng trăm người bệnh, áp lực khám chữa bệnh trong tình cảnh quá tải luôn đè lên vai họ... Họ kiệm lời, bị trách mắng. Họ ít quan tâm cũng bị người dân than phiền. Dường như người bệnh đang kỳ vọng vào bác sĩ thực sự là từ mẫu.

Mấy tháng nay khi bước chân vào một bệnh viện lớn tại TPHCM, ở một góc trang trọng tại các khoa, phòng ở đây, tám lời thề của Hippocrates được đóng khung treo ngay ngắn.

Bác sĩ giám đốc của bệnh viện này nói, bác sĩ nào cũng thuộc nằm lòng lời răn dạy này từ khi còn ngồi trên giảng đường nhắc lại lời dạy đó, tôi muốn họ nhìn lại mình để giữ mình, để yêu thương bệnh nhân mỗi khi nhìn thấy lời thề.

Theo Báo giấy