Vùng sạt lở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam rất lớn
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ Văn Quốc gia cho biết, hiên bão số 12 nằm sát bờ từ Bình Định-Bình Thuận, và gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 10, gây mưa to.
“Trong sáng nay, bão sẽ gây gió mạnh nhất, bao trùm ở Phú Yên-Khánh Hoà. Đến chiều nay, khi bão 12 đi sau vào bên trong, tương tác với địa hình nội địa, có thể xuất hiện gió giật. Sáng nay, gió đo ở sông Cầu, Phú Yên có gió giật cấp 9”, ông Khiêm nói.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp ở Tây Nguyên.
Theo ông Khiêm, trong 12 giờ qua, bão đã gây mưa rất to, tập trung ở khu vực ven biển 100-150 mm, có nơi trên 200 mm; vùng núi là 50-70 mm.
Trong ngày hôm nay và ngày mai, sẽ còn mưa 150-300mm từ Quảng Trị đến Bắc Khánh Hoà, đặc biệt từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam, có thể mưa 400 mm.
Do mưa lớn, có khả năng sẽ xuất hiện đợt lũ mới ở Quảng Bình báo động 1-2, Quảng Trị đến Quảng Ngãi báo động 2-3, một số sông trên báo động 3. Khu vực Tây Nguyên mưa 100-200mm, một số sông có thể lên báo động 2-3.
Ông Khiêm cũng lưu ý, khu vực miền Trung thời gian qua đã có mưa rất lớn, đất đá nhiều nơi đã bão hoà. Trong khi đó, khi bão đi vào đất liền sẽ tiếp tục gây mưa rất lớn, đặc biệt là vùng núi mưa tới 100-300 mm, nên nguy cơ cao về sạt lở đất từ Quảng Trị đến Khánh Hoà.
Liên quan đến cơn bão rất mạnh có tên quốc tế là Vamco gần biển Đông, ông Khiêm cho biết, ngay từ ngày 6/11, cơ quan dự báo đã có nhận định sớm đến cơn bão số 12, số 13 và thông tin để Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai biết, cũng như yêu cầu các đài dự báo khu vực thông tin cho địa phương chủ động ứng phó.
Theo ông Khiêm, cơn bão số 13, xuất phát điểm gần giống cơn bão số 9, khi bề mặt nước biển chỉ 31-32 độ C.
Hiện bão Vamco mạnh cấp 8-9, nhưng trong vòng 24-36 tới, bão sẽ mạnh lên rất nhanh, trước khi đi vào Philippines có thể mạnh cấp 13.
“Khác với cơn bão số 9 có thể giảm cấp sau khi vào đi Philippines, cơn bão Vamco có thể mạnh cấp 12, giật cấp 15. Dự báo sáng 12 có thể bão đi vào biển Đông và trở thành cơn bão số 13 trên biển Đông”, ông Khiêm nhận định.
Nhận định của cơ quan dự báo cũng rằng, cơn bão Vamco sẽ nhanh như bão số 9, dù cường độ thể thay đổi, nhưng không giảm được nhiều.
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến sáng nay, biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 60.000 tàu thuyền, với hơn 289.000 lao động. Hiện tất cả tàu thuyền đã vào nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.
Theo ông Đạo, đêm qua đã bắn pháo hiệu tại 32 điểm. hiện 5 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận ban hành lệnh cấm biển.
Ngoài ra, lực lượng biên phòng các tỉnh sẽ tiếp tục rà soát và sơ tán dân ở những nơi có nguy cơ cao bị sạt lở, lũ quét ở tuyến biên giới, kể cả các đồn biên phòng. Đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện ở các đồn biên phòng để có thể đưa dân vào trú tránh.
Sơ tán người dân khỏi nơi nguy hiểm
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hơn một tháng qua, miền Trung chịu thiệt hại nặng nền do bão, lũ. Đặc biệt, cơn bão số 9, đi nhanh, phạm vi ảnh hưởng lớn, gây mưa lớn. Những đợt mưa lũ ở miền Trung vừa qua đã làm người chết, mất tích và thiệt hại kinh tế tới 17.000 tỷ đồng.
Theo Phó Thủ tướng, bão số 12 có khả năng gây mưa lớn Quảng Trị đến Khánh Hoà, đặc biệt là mưa rất lớn khu vực Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam, là nơi vừa có đợt mưa lũ lớn, thiệt hại nghiêm trọng.
Chưa kể, ngày 12/11, một cơn bão rất mạnh có thể thành cơn bão số 13 trên biển Đông và ngày 15/11 tới sẽ tiếp tục đe doạ các tỉnh miền Trung.
Trước tình hình trên, với tuyến biển, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát để đảm bảo an toàn trên biển, các lực lượng Biên phòng, giao thông vận tải, thuỷ sản, tập trung kêu gọi tàu thuyền di chuyển, trú tránh an toàn.
Kiểm tra, rà soát người trên các lồng bè, khu nuôi trồng thuỷ sản, không để người dân ở lại khi bão vào.
Phó Thủ tướng lưu ý, trên đất liền, các địa phương rà soát các phương án sơ tán dân khỏi nơi nguy hiểm, ở vùng trũng, thấp, ngập lụt, chia cắt, nơi nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét; kể cả người dân ở nhà cấp 4 đã xuống cấp, nhà có cửa kính…
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng bằng mọi cách bảo vệ, vận hành hồ thuỷ lợi, thuỷ điện hồ đạp an toàn. Bởi, có sự cố vỡ hồ đạp, sức tàn phá sẽ rất nguy hiểm.
Ông cũng đề nghị các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, nhất là Quân khu 4, Quân khu 5, các quân đoàn… là lực lượng chủ lực cần bị sẵn lực lượng “ém quân” ở những nơi trọng điểm.
Nhắc lại bài học vụ sạt lở ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam, lực lượng tại chỗ đã cứu được 33 người khi bị sạt lở vùi lập, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương củng cố sẵn sàng phương châm 4 tại chỗ, bởi “nước xa không cứu được lửa gần”.